MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh đỗ đại học nhưng không nhập học vì lo sợ cơ hội việc làm dành cho các cử nhân ngày càng khó khăn. ảnh: HN

Thí sinh trúng tuyển nhưng không học đại học: Căn cứ đòi hỏi thị trường việc làm

Quỳnh Chi LDO | 29/08/2017 15:34
Kỳ tuyển sinh đại học 2017, dù Bộ GDĐT vẫn quy định điểm sàn nhưng có tới hơn 100 nghìn thí sinh đỗ đại học mà không theo học. Nhiều ý kiến lo ngại, nếu năm 2018, ngưỡng điểm sàn bị bỏ thì con số thi sinh đỗ mà không học có thể còn lớn hơn rất nhiều. 

Tại cuộc làm việc mới đây với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho hay, năm 2017, có hơn 100.000 thí sinh thi đỗ đại học nhưng không nhập học. Trong khi đó, năm 2017 vẫn duy trì điểm sàn đại học, nếu năm 2018, Bộ không còn điểm sàn đại học thì con số trúng tuyển rồi không nhập học có thể tăng lên gấp nhiều lần. Đây được đánh giá vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Một mặt, giáo dục nghề nghiệp có cơ hội “săn” thêm học sinh; mặt khác, nếu không có những thay đổi căn cơ trong đào tạo, giảng dạy và nâng cao cơ chế liên kết với doanh nghiệp, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ dễ “vuột” mất nguồn thí sinh dồi dào vì số này có thể tham gia xuất khẩu lao động hoặc du học.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều bậc phụ huynh và học sinh nhìn vào con số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp để tự “xốc” lại mình, xác định học đại học không phải là con đường duy nhất vào đời. Việc học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học một phần do tư duy, nhận thức của xã hội thay đổi, mặt khác, chính thị trường lao động với cung - cầu cụ thể thay đổi từng năm đã điều tiết nguồn nhân lực này.

Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) - cho rằng, chuyện nhiều thí sinh điểm cao không nhập học đại học hoặc chọn học trường nghề là do chính thực tiễn điều tiết.

“Bây giờ học sinh chọn học ngành gì luôn nghĩ đến việc làm ổn định, có cơ hội thăng tiến; bên cạnh đó, họ cũng căn cứ vào khả năng và điều kiện thị trường việc làm. Thực tế cho thấy, phân khúc cao đẳng, trung cấp, nhu cầu tuyển dụng lớn, cơ hộ giải quyết việc là cho số này nhiều hơn”, ông Sâm nói. 

Về câu hỏi lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phải làm gì để “đón đầu” được số học sinh này, ông Sâm khẳng định, thực tế hiện nay cho thấy, người học quan tâm đến việc học để có việc làm, do đó chuyển hoá nhận thức ở chỗ họ sẽ học cao hơn khi thực tế công việc đòi hỏi chứ không học để giải quyết chuyện bằng cấp.

“Một lao động có thể xuất phát điểm từ thợ kỹ thuật, sau đó nếu cần thêm kỹ năng quản lý thì anh ta mới học liên thông cao hơn để đáp ứng thực tiễn giải quyết công việc. Sự chuyển hoá này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển sự chuyển hoá diễn ra đã rất lâu”, ông Sâm cho hay.

Theo ông Sâm, giáo dục nghề nghiệp cũng có một số bước đi mới nhằm thu hút người học như sự hoàn thiện và ra đời của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, không chỉ người học mà chính các doanh nghiệp – người trực tiếp tuyển dụng đã có nhiều thay đổi trong nhận thức.

Ông Sâm cũng cho rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp với các mục tiêu tổng quát không thay đổi nhưng phương pháp có nhiều thay đổi nên tháo gỡ được nhiều điểm vướng, tạo cơ hội cho người học có thêm lựa chọn, cơ sở giáo dục cũng có điều kiện trang bị kỹ năng toàn diện cho người học. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ hài lòng hơn với kết quả của quá trình đào tạo hơn trước đây: họ có sản phẩm mình mong muốn chứ không phải lựa chọn sản phẩm mà các nhà trường chủ động cung cấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn