MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh tham dự kì thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 3.12. Ảnh: Minh Hà

Thí sinh vượt 400km dự thi đánh giá tư duy, giành suất vào đại học

Tường Vân - Minh Hà LDO | 03/12/2023 13:49

Sáng 3.12, hơn 2.800 thí sinh tham dự kì thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, tranh suất vào đại học năm 2024.

Sáng 3.12, kì thi đánh giá tư duy đợt 1 của Đại học Bách Khoa Hà Nội diễn ra đồng thời tại 8 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng. Tổng số thí sinh dự thi lần này là hơn 2.800.

Thí sinh tham dự kì thi đánh giá tư duy, sáng 3.12. Ảnh: Vân Trang

Em Nguyễn Văn Đạt, học sinh Trường THPT Chuyên Lương Văn Tuỵ (Ninh Bình) đã di chuyển quãng đường khoảng 100km và có mặt tại điểm thi đánh giá tư duy, Đại học Bách khoa Hà Nội lúc 6 giờ 30 phút. Đồng hành cùng em đến điểm thi là anh trai Nguyễn Văn Thành - hiện đang là sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh xếp hàng, đợi điểm danh trước khi vào phòng thi đánh giá tư duy, sáng 3.12. Ảnh: Vân Trang

Đạt xác định, kì thi lần này sẽ là cơ hội để cọ xát, hiểu rõ cấu trúc bài thi, năng lực của mình và có kế hoạch ôn tập. Nam sinh sẽ dùng kết quả thi đánh giá tư duy để giành cơ hội trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội.

"Nếu điểm thi không đạt như mong muốn, em sẽ cân nhắc việc thi lại vào các đợt tiếp theo" - Đạt chia sẻ.

Em Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT Việt Lâm (Hà Giang) cũng tham dự kì thi đánh giá tư duy đợt 1. Nhà cách Hà Nội hơn 400 km nên Quỳnh Anh và bố đã lên Hà Nội trước 1 ngày để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho kì thi.

Thí sinh kiểm tra số báo danh trước khi làm bài thi đánh giá tư duy trên máy tính, sáng 3.12. Ảnh: Vân Trang

Sáng sớm nay, em đã có mặt tại điểm thi từ 6h30 phút, hồi hộp xếp hàng, đợi làm thủ tục vào phòng thi.

Để chuẩn bị cho kì thi, Quỳnh Anh tham khảo đề, tài liệu ôn luyện trên các hội nhóm học sinh, trong đó, tập trung chủ yếu cho việc luyện thi môn Toán. Em dự kiến dùng điểm thi đánh giá tư duy để xét tuyển vào ngành IT 1, Đại học Bách khoa Hà Nội.

"Ngoài việc sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy, em sẽ dùng phương thức xét tuyển tài năng để giành cơ hội trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội" - Quỳnh Anh chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2024, lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình cũ sẽ thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học. Do đó, kì thi đánh giá tư duy và các phương thức xét tuyển đại học khác nói chung sẽ giữ ổn định trong năm 2024 để phù hợp và thuận tiện cho các em.

Theo ông Điền, việc nhà trường tổ chức kì thi sớm, ngay từ tháng 12.2023 nhằm giúp thí sinh làm quen với nội dung và cấu trúc bài thi, phần mềm thi và đặc biệt là đánh giá năng lực tư duy hiện tại của bản thân để có kế hoạch ôn tập phù hợp.

Dù thí sinh không bị giới hạn số lần thi, ông Điền khuyến cáo các em không nên thi hai kỳ liên tiếp. Ở đợt thi đầu tiên này, thí sinh nên cố gắng tập trung để tìm hiểu cấu trúc câu hỏi và cách trả lời các dạng trắc nghiệm. Nếu kết quả không như mong muốn, các em còn nhiều cơ hội trong các đợt sau.

"Đề thi được thiết kế theo hướng chuẩn hóa tư duy, mà đã liên quan tới tư duy thì khó để cải thiện trong thời gian ngắn. Các em thi liên tiếp sẽ không cải thiện được nhiều. Điều thí sinh cần làm là chú ý học kiến thức nền tảng, có chiến lược làm bài phù hợp" - ông Điền nói.

Còn khoảng 7 tháng nữa học sinh lớp 12 mới tốt nghiệp THPT nên nhiều ý kiến lo ngại, việc kì thi diễn ra khi học sinh còn chưa kết thúc chương trình học kỳ I, ảnh hưởng tới việc làm bài. Về vấn đề này, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đề thi không xoáy vào kiểm tra kiến thức đơn thuần, mà tập trung đánh giá tư duy của thí sinh.

"Nhiều câu hỏi thậm chí đã cung cấp kiến thức cho thí sinh, các em cần đọc kĩ, dùng kiến thức đó để giải quyết yêu cầu của đề bài" - ông Điền nói.

Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức 6 đợt thi, trải dài từ tháng 12 năm 2023 – tháng 6 năm 2024, tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng.

Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng công nghệ check-in tự động bằng căn cước công dân có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư để định danh thí sinh nhằm triệt để chống việc thi hộ và gian lận trong thi cử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn