MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thí sinh vẫn "lắc đầu" than thở vì đề Lịch sử khó (Ảnh: Phan Anh)

Thi THPT Quốc gia 2018: Lịch sử vẫn là môn “ám ảnh” với nhiều thí sinh

Nhóm PV LDO | 27/06/2018 11:50

Sáng 27.6, các thí sinh tiếp tục bước vào ngày thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia 2018 với tổ hợp Khoa học Xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Năm nay, số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 444.538 (48%), tăng 5% so với kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Cũng như tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, đề thi tổ hợp môn Khoa học xã hội ra theo hình thức trắc nghiệm với thời gian 50 phút làm bài cho mỗi phân môn. Đề thi năm nay bao gồm nội dung chương trình lớp 11 và 12, đồng thời có tính phân hóa cao hơn.

Hầu hết các thí sinh đều lắc đầu than thở với môn Lịch sử, tự tin "ăn chắc" điểm giỏi với môn Giáo dục công dân và đánh giá môn Địa lý vừa sức.

“Em thấy khó nhất là môn Lịch sử, vì Lịch sử có nhiều kiến thức cần phải nhớ. Địa lý và Giáo dục công dân có kiến thức thực tế. Môn Lịch sử phân loại học sinh, có lẽ khó đạt điểm cao. Em nghĩ em chỉ đạt 5 điểm Lịch sử, 9 điểm môn Địa, GDCD đạt 10 điểm” - Nguyễn Thái Sơn (THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ.

Cũng chung nhận định đó, thí sinh Phạm Quốc Anh - điểm thi THPT chuyên Hà Nội Amsterdam chia sẻ: "Đề thi khá bám sát vào chương trình chúng em đã học. Đề Địa và đề Giáo dục công dân em thấy khá "dễ thở", đề Lịch sử thì khó hơn. Em làm được khoảng 60% môn Địa lý, 50% môn Lịch sử, còn Giáo dục công dân em làm hết nhưng không biết mình được bao nhiêu".

Nhiều thí sinh tự tin “ăn chắc” điểm tuyệt đối môn Giáo dục công dân (Ảnh: Hà Phương)

Thí sinh Lê Nhất Quang (Trường THPT Việt Đức) thì cho rằng: “Theo em, đề thi cả 3 môn sáng nay ở mức trung bình, không quá khó. Riêng môn Địa lý, khoảng một nửa câu hỏi thí sinh có thể sử dụng Atlat để tra đáp án. Em thấy môn Giáo dục công dân là khó, nhất là các câu hỏi về pháp luật và quyền công dân. Những câu hỏi về sử dụng pháp luật, thi hành pháp luật dù đã ôn kỹ nhưng lúc vào phòng thi em bị rối”.

Thí sinh Nguyễn Minh Phúc (điểm thi THCS Nghĩa Tân) cho rằng: “Môn GDCD cơ bản phù hợp với mặt bằng học sinh. Nhiều câu hỏi tình huống tên nhân vật có thật để chúng em dễ tưởng tượng hơn. Em hoàn thành khoảng 75% môn Lịch sử, 80% môn Địa lý, 100% môn Giáo dục công dân, em rất tự tin với bài thi môn này”.

Lịch sử vẫn là môn “ám ảnh” với nhiều thí sinh. Tạ Nguyễn Hải Yến tại điểm thi THCS Nghĩa Tân tỏ ra lo lắng: “Tổ hợp KHXH có thể phân loại được học sinh. Riêng môn Sử có nhiều kiến thức chung, em lo lắng sợ điểm liệt môn này. Địa lý và Giáo dục công dân dễ thở hơn”.

Thí sinh phải thi liên tục 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân trong một buổi sáng. Cách mỗi môn thi, thí sinh chỉ có 10 phút để vừa nghỉ ngơi, thu bài cũ, phát đề môn thi mới. Tuy nhiên, nếu hôm qua, nhiều thí sinh thi tổ hợp Khoa học tự nhiên sinh cảm thấy “đuối” vì phải ngồi thi suốt 3 tiếng đồng hồ trong ngày thì hôm nay thí sinh dự thi tổ hợp Khoa học xã hội tỏ ra khá thoải mái.

Thời tiết Hà Nội mưa mát mẻ, thí sinh kết thúc ngày thi cuối cùng trong kỳ thi “vượt vũ môn” khá thuận lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn