MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thi THPT quốc gia 2018 môn Địa lý: Chỉ cần tìm trong Atlat là có thể trả lời được

Đặng Chung - Phan Anh LDO | 27/06/2018 13:44
Sáng nay 27.6, gần 450 nghìn thí sinh bước vào làm bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Sau khi kết thúc bài thi môn Địa lý, nhiều giáo viên nhận định đề thi năm nay đảm bảo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Ngọc - giáo viên Địa lý Trường THPT Hà Nội – Amsterdam nhận xét, đề Địa lý có nội dung trong chương trình lớp 11, 12, trong đó lớp 11 có 6 câu lý thuyết và 2 câu kỹ năng, còn lại là nội dung lớp 12.

Đề thi có tính phân hóa cao, phần lớn các câu kỹ năng (câu Atlat, nhận xét biểu đồ, bảng số liệu) chủ yếu ở mức độ nhận biết, thí sinh chỉ cần có kỹ năng cơ bản là trả lời được, trả lời đủ lượng kiến thức lớp 11 với mức nhận biết và thông hiểu là thí sinh đạt mức xét tốt nghiệp.

Thí sinh tại điểm thi THPT Hà Nội – Amsterdam hào hứng sau khi kết thúc bài thi.

Muốn đạt được điểm khá, học sinh phải biết phân tích số liệu, nắm chắc các từ chìa khóa để nhận diện các dạng biểu đồ và lựa chọn được các phương án đúng nhất. Câu hỏi khó trong đề nằm ở cuối, với mức độ vận dụng cao.

Đồng quan điểm, cô giáo Lê Thị Hải Anh - Tổ trưởng tổ chuyên môn Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Môn Địa lý (Mã đề 302), cấu trúc đề thi giống với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đây. Vì thế không có gì bất ngờ đối với thí sinh. Ngoài những câu hỏi với kiến thức cơ bản, đề thi còn có những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải kỹ năng vận dụng và có tư duy liên hệ kiến thức địa lý. Các câu hỏi trong đề thi tường minh, kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình đã học và không đánh đố học sinh.

Riêng về kỹ năng thực hành, có 11 câu thuộc phần khai thác Alat Địa lý, đọc phân tích nhận xét bảng số liệu 2 câu và nhận diện dạng biểu đồ 2 câu. Đối với học sinh được ôn luyện kỹ thì các kỹ năng nhận biết như: Khai thác Atlat không quá khó. Chỉ cần học sinh đọc kỹ câu hỏi và tìm đúng trang Atlat là có thể trả lời được. Dự đoán phổ điểm chủ yếu từ 4 - 6 điểm, rất ít điểm 9-10. Các trường đại học hoàn toàn yên tâm có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Chắc chắn không có điểm liệt đối với môn Địa lý".

Thầy giáo Bùi Ngọc Phóng - giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội cũng cho rằng: “Đề Địa lí năm nay đã đảm bảo được bao quát kiến thức cả chương trình lớp 11, 12. Trong chương trình lớp 11 gồm những phần kiến thức các quốc gia tiêu biểu, khu vực Đông Nam Á, khu vực kinh tế trên thế giới; trong khi đó lớp 12 đã bao quát phần địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế xã hội. Đề năm nay có có phân hóa được các mức độ trung bình, khá và giỏi.

Nhìn chung, khi học sinh vận dụng được các kĩ năng như đọc và khai thác Atlat địa lí, xử lí bảng số liệu, tìm các mối quan hệ nhân quả thì sẽ làm được bài thi rất tốt.

Phổ điểm theo tôi từ 5 trở lên sẽ chiếm khoảng 80%, còn lại là mức độ phân hoá. Các trường đại học vẫn có thể lựa chọn được học sinh có chất lượng với khoảng 10% - 15% học sinh đạt từ 9-10 điểm. Nhiều khả năng không có điểm liệt”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn