MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao nhan nhản trên mạng xã hội.

Thi THPT quốc gia 2018: Những chiêu gian lận nào đã bị Bộ GDĐT “bắt bài”?

Đặng Chung LDO | 20/06/2018 11:01
Trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã phối hợp với lực lượng an ninh tổ chức các đợt tập huấn, “bày cách” cho đội ngũ giám thị có thể dễ dàng phát hiện thí sinh có dấu hiệu gian lận thi cử.

“Thí sinh có hành vi gian lận sẽ có dấu hiệu không bình thường”

Đây là chia sẻ của Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Bằng sau nhiều năm làm nhiệm vụ giám sát việc tổ chức thi cử. Gian lận thi cử là vấn đề không mong muốn, tuy nhiên do số lượng thí sinh đông, các điểm thi trải dài, nên vẫn cần nâng cao cảnh giác, để đảm bảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra công bằng.

Quy chế thi do bộ ban hành nêu rõ hai loại gian lận cần lưu tâm. Về phía người làm đề thi, gian lận xảy ra với các hình thức như: Trực tiếp giải bài, hướng dẫn làm bài, lấy bài thí sinh này cho thí sinh khác, chấm thi không đúng, đưa đề thi ra ngoài, làm lộ số phách, sửa bài, chọn đề để phát cho thí sinh…

Với thí sinh, gian lận thể hiện qua các hành vi trao đổi bài, chép bài của thí sinh khác, mang vật dụng trái phép vào phòng thi, đưa đề ra ngoài, nhận bài vào, thi hộ…

Dù điểm tên được các hành vi gian lận trong thi cử, tuy nhiên theo ông Bằng, không dễ để phát hiện hết các hành vi này.

Chẳng hạn, quy định là cấm mang tài liệu, điện thoại vào phòng thi, nhưng nếu thí sinh cố tình giấu trong túi, thì cũng rất khó để kiểm tra. Nhất là hiện nay, các thiết bị sử dụng để gian lận ngày càng tinh vi, được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau. Năm 2017, thanh tra từng phát hiện có thí sinh dùng loại tai nghe chỉ nhỏ bằng hạt đậu đặt sâu ở trong tai, phải dùng nam châm mới có thể hút ra.

 Những thiết bị gian lận thi cử tinh vi bị phát hiện trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.

“Tuy nhiên, thiết bị dùng gian lận thi cử có tinh vi thế nào, thí sinh sử dụng nó vẫn có dấu hiệu không bình thường. Nếu giám thị tập trung, quan sát, sẽ dễ dàng phát hiện ra. Như dùng tai nghe siêu nhỏ thì buộc phải lẩm nhẩm để truyền thông tin ra ngoài, nếu dùng máy tính, hay đồng hồ ngụy trang thì cũng có những dấu hiệu lạ.

Đặc biệt, khi phát hiện thí sinh có dấu hiệu gian lận, giám thị không nên làm ầm lên, ảnh hưởng đến thí sinh khác, mà nên nhẹ nhàng, lập biên bản, hoặc báo cáo lên trưởng điểm thi để liên hệ công an vào cuộc” - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Bằng chia sẻ.

Ngoài ra, hiện nay Bộ GDĐT đã có hàng loạt giải pháp kỹ thuật để hạn chế gian lận thi cử, kể cả việc thí sinh “ăn gian” giờ làm bài thi tổ hợp cũng được Bộ phát hiện và đã có biện pháp ngăn chặn bằng việc từ năm nay sẽ thu lại đề thi, giấy nháp và các vận dụng mà thí sinh có thể ghi chép liên quan đến đề thi của môn thành phần trước trong bài thi tổ hợp.

Giám thị được huấn luyện để phát hiện gian lận

Để ngăn chặn được gian lận thi cử, đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng với mọi thí sinh, thời gian qua, lực lượng công an cũng đã tham mưu, phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều buổi tập huấn “nghiệp vụ” để bắt bài các chiêu gian lận của thí sinh.

Đặc biệt là hành vi sử dụng những thiết bị công nghệ có chức năng thu, phát được ngụy trang dưới dạng: Máy tính, đồng hồ, mắt kính, tai nghe, cục tẩy, bút, thắt lưng, cúc áo… 

Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với ngành giáo dục rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm như: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức… Bộ GDĐT sẽ kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận trong thi cử, để kỳ thi sẽ diễn ra công bằng, khách quan với mọi thí sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn