MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) thảo luận về đi thi thử THPT quốc gia sau khi kết thúc 120 phút làm bài.

Thi thử THPT quốc gia 2018: Học sinh Hà Nội thích thú với đề văn về “cách tận hưởng cuộc sống”

Đặng Chung LDO | 15/03/2018 12:12
Sáng 15.3, học sinh khối 12 các trường THPT trên địa bàn Hà Nội bước vào làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi khảo sát THPT Quốc gia 2018 do Sở GDĐT Hà Nội tổ chức.

Học sinh làm bài thi trong thời gian 120 phút, với hình thức tự luận. Cấu trúc đề Văn gồm hai phần đọc hiểu và làm văn.

Theo ghi nhận của PV tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), sau khi kết thúc môn thi thứ nhất, nhiều học sinh bày tỏ đề thi Văn khá khó, nhưng thú vị vì yêu cầu học sinh trình bày, nêu quan điểm về “cách tận hưởng cuộc sống thật sự”.

 
Đề thi thử THPT quốc gia 2018 của học sinh khối 12 của Hà Nội. 

Trong phần Đọc hiểu (3 điểm), đề thi trích dẫn một đoạn trích trong cuốn sách "Bốn thỏa ước" của tác giả người Mexico Don Miguel Ruiz. Đây là cuốn sách 6 năm liền đứng trong top bestseller của The New York Times và bán được hơn 4 triệu bản trên toàn thế giới. Cuốn sách được xem là những trải nghiệm của Don Miguel Ruiz về tồn tại và hạnh phúc của con người.

Trong phần làm văn, học sinh phải phân tích một đoạn thơ trong tác phẩm "Vội vàng" của Xuân Diệu và "Sóng" của Xuân Quỳnh.

Vũ Ngọc Huyền Nhi - lớp 12D3 Trường THPT Việt Đức hào hứng khi hoàn thành bài thi đầu tiên trong đợt thi thử THPT quốc gia 2018. Em chia sẻ, đề thi không đến mức đánh đố học sinh, tuy nhiên để đạt được điểm cao cũng rất khó, đòi hỏi phải nắm chắc cả kiến thức lớp 11.

"Bài thơ "Vội vàng" của Xuân Diệu nằm trong chương trình lớp 11 nên em và nhiều bạn đều đã quên kiến thức. Nếu những bạn nào không học hoặc không nắm chắc kiến thức thì sẽ mất rất nhiều thời gian trong việc tìm được điểm chung của hai bài thơ "Sóng" và "Vội vàng"" - Huyền Nhi chia sẻ.

Cũng theo Huyền Nhi, các câu hỏi của đề thi Văn đều thống nhất về một chủ đề về tuổi trẻ và cuộc sống, sống làm sao, tận hưởng cuộc sống thế nào cho có ý nghĩa. Đây là chủ đề rất thiết thực với các bạn trẻ.

Một số học sinh khác của Trường THPT Việt Đức thì đánh giá đề Văn khó và dài, chỉ đạt được 5-6 điểm.

Đánh giá về đề thi khảo sát môn Ngữ văn của Hà Nội, TS văn học Phạm Hữu Cường cho rằng đây là một đề thi khá hay, nhất là ở câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học.

Đề thi bám rất sát cấu trúc đề thi của Bộ GDĐT, bám sát chương trình THPT, nhất là chương trình Ngữ văn 11, 12. Độ dài các câu tương đối hợp lý. Đề thi có mức độ kiến thức và kỹ năng khá cơ bản, phù hợp với học sinh có học lực trung bình và khá.

Câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học đều là những câu hỏi mở, có khả năng phân loại thí sinh. Câu nghị luận xã hội rất có ý nghĩa đối với tuổi trẻ hiện nay khi yêu cầu trình bày suy nghĩ về cách để mỗi người có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự. Đây cũng là vấn đề có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh.

TS Cường đánh giá, với đề Văn này, học sinh đạt được tầm 7 - 8 điểm là chủ yếu.

Còn theo TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, lượng kiến thức lớp 11 đưa vào đề thi đã không đúng với tỉ lệ định hướng ôn tập mà Bộ GDĐT lưu tâm trước đó.

Cách đề bài yêu cầu học sinh so sánh hai đoạn thơ trong tác phẩm của Xuân Diệu và Xuân Quỳnh cho thấy, kiến thức lớp 11 chiếm 50%. Trong khi đó, đề tham khảo của Bộ thể hiện rõ tỉ lệ trọng tâm chính của phần nghị luận vẫn là toàn bộ chương trình lớp 12, phần kiến thức lớp 11 chỉ là sự liên tưởng như một thao tác so sánh, nhằm làm rõ hơn kiến thức của lớp 12. Việc đề thi thử có lượng kiến thức rơi quá nhiều vào lớp 11 như vậy là lý do khiến nhiều học sinh bất ngờ, lúng túng.

Sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn, chiều 15.3 và hai ngày 16-17.3, học sinh khối 12 của Hà Nội sẽ tiếp tục bước vào làm các bài thi môn Ngoại ngữ, Toán và một môn tự chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, giáo dục công dân).

Dù là kỳ thi khảo sát mang tính chất nội bộ trong TP.Hà Nội nhưng công tác chuẩn bị được Sở GDĐT Hà Nội chú trọng.

Lãnh đạo ngành giáo dục thủ đô cho biết, đã yêu cầu mọi công tác tổ chức phải được thực hiện nghiêm túc, như kỳ thi THPT quốc gia, để học sinh làm quen với dạng bài thi, còn giáo viên được phổ biến công tác coi thi, cũng như tìm ra phương pháp ôn tập cho học sinh, sao cho đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào tháng 6 tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn