MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh lớp 11 Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) trong giờ ôn tập. Ảnh: Trang Hà

Thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - các trường đáp ứng tốt nhất năng lực người học

Thanh Hằng LDO | 20/01/2024 06:51

Để học sinh sẵn sàng tâm thế, kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều trường THPT đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hướng tới đáp ứng tốt nhất năng lực người học.

Học sinh chủ động lựa chọn môn thi

Năm 2025 là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên đề thi sẽ có điều chỉnh về hình thức, cấu trúc, định dạng để phù hợp với định hướng đánh giá năng lực của học sinh.

Với nguyên tắc tổ chức kỳ thi giảm áp lực cho học sinh và phát huy tối đa năng lực người học, phương án tổ chức thi 4 môn (gồm 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12) nhận được sự đồng tình cao.

Chia sẻ về kế hoạch ôn tập của bản thân, em Lê Nguyễn Hương Giang - học sinh lớp 11 Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) - chia sẻ: "Phương án thi tốt nghiệp với 4 môn không làm ảnh hưởng đến dự định xét tuyển đại học của em. Dù Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc nhưng em vẫn quyết định lựa chọn. Bởi môn học này có mặt ở khá nhiều tổ hợp xét tuyển đại học, giúp em có nhiều cơ hội lựa chọn và tăng khả năng trúng tuyển".

Nữ sinh cho biết, trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chốt phương án thi, bản thân đã cố gắng học đều tất cả các môn và định hướng nghề nghiệp tương lai của bản thân. Khi Bộ GDĐT công bố đề thi minh hoạ, Hương Giang đã nắm được cấu trúc bài thi, nhận thấy những điểm đổi mới và thay đổi cách thức ôn tập để đạt kết quả cao.

Tuy nhiên, em Nguyễn Kim Anh - học sinh lớp 11, Trường THPT Lục Ngạn (Bắc Giang) - khá loay hoay việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển đại học.

Nữ sinh cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng, có thể ảnh hưởng tới tương lai của bản thân nên cảm thấy lo lắng. Kim Anh mong các trường đại học sẽ cân đối phương thức xét tuyển và sớm công bố đề án tuyển sinh để em có sự chuẩn bị, ôn tập tốt nhất.

Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập

Với lứa học sinh đầu tiên học chương trình mới, cô Phạm Thuỷ - giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) khẳng định, khó khăn đa chiều khi học sinh vốn quen việc học, việc kiểm tra đánh giá theo kiểu "học gì thi nấy". Bản thân giáo viên cũng phải thay đổi rất nhiều cách dạy, kiến thức truyền tải để phù hợp với chương trình mới.

Đánh giá về đề minh hoạ của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cô Thuỷ cho biết, cấu trúc đề thi môn ngữ văn phù hợp, gồm có 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn. Trong đó, phần Đọc hiểu 4 điểm, phần Làm văn có câu nghị luận xã hội 4 điểm và câu nghị luận văn học 2 điểm, tỉ lệ rất hợp lý. Cách ra đề cũng góp phần chấm dứt việc học tủ đoán đề, tập trung phát triển các kỹ năng cảm thụ đọc hiểu và viết bài của học sinh.

“Trong cách học và ôn luyện, học sinh cần chủ động rèn luyện kỹ năng viết và sáng tạo hơn. Ở chương trình cũ nhiều em còn học theo cách thụ động, chờ gợi ý sẵn và dàn bài từ giáo viên. Nhưng trong chương trình mới, học sinh sẽ làm bài dựa trên việc vận dụng kiến thức và sự sáng tạo của bản thân” - cô Phạm Thuỷ lưu ý.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) - cho biết, ngay từ những năm đầu của chương trình đổi mới, nhà trường đã nỗ lực để hình thành phương thức tổ chức mô hình lớp học, xây dựng kế hoạch ôn tập và thay đổi trong cách dạy học, kiểm tra, đánh giá.

Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GDĐT công bố cho thấy những nỗ lực đổi mới của nhà trường và giáo viên, học sinh đã phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục.

“Thời gian tới, nhà trường sẽ có phương án xây dựng, điều chỉnh tổ hợp môn hợp lý hơn cho học sinh lựa chọn; tổ chức định hướng nghề nghiệp tương lai cho người học.

Đồng thời có sự chuẩn bị kỹ hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học” - ông Phi chia sẻ.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023 - 2024, Hà Nội vẫn tổ chức kỳ thi khảo sát cho học sinh lớp 12 như mọi năm và mở rộng đối tượng khảo sát là học sinh lớp 11. Đây là lứa học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025 - kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo thống kê sơ bộ, toàn TP Hà Nội dự kiến, có khoảng 200.000 học sinh lớp 11 và lớp 12 tham gia kỳ khảo sát. Thời gian khảo sát sẽ được tổ chức vào tháng 3 hoặc tháng 4.2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn