MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025, không nên phụ thuộc vào đề thi minh họa

Quỳnh Trang LDO | 05/12/2023 14:26

Về đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều thầy cô trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng lưu ý tránh coi đó là kim chỉ nam, thước đo cho dạy, học, kiểm tra.

Học sinh mong sớm có đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2025

Là học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025, em Võ Thị Luyến - lớp 11A, Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương, Nghệ An) cảm thấy hài lòng với phương án thi tốt nghiệp 4 môn. Điều Luyến mong muốn là sớm có đề minh họa để chủ động làm quen các dạng câu hỏi, có định hướng ôn tập, từ đó hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.

Cô trò Trường THPT Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương, Nghệ An) trong giờ học. Ảnh: Quỳnh Trang

Thầy Lê Văn Quyền - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương) cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đổi mới về mục tiêu, nội dung dạy học. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sớm đề thi minh họa là cần thiết, giúp nhà trường, giáo viên, học sinh nắm, hình dung cụ thể hơn về cấu trúc, nội dung, yêu cầu, mức độ cần đạt của đề thi từng môn học.

Đây là cơ sở để nhà trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, phân công nhân sự (giáo viên)…, bảo đảm chất lượng, mục tiêu đầu ra ở mức cao nhất. Giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch, phân hóa học sinh, tiến hành các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá để phân luồng học sinh.

Đối với học sinh, làm thử đề thi minh họa cùng với nhận xét, đánh giá, chấm điểm của giáo viên giúp học sinh nhìn nhận rõ năng lực, kỹ năng, điểm mạnh, nhược điểm của bản thân để xây dựng cho mình lộ trình học tập phù hợp.

Không nên phụ thuộc vào đề thi minh họa

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa – Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn mới mẻ, thầy cô chưa xác định được cấu trúc đề thi tốt nghiệp 2025 như thế nào. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đề minh họa, tổ nhóm chuyên môn nhà trường sẽ nhanh chóng họp, trao đổi, xác định lượng kiến thức phù hợp với cấp độ tương ứng trong cấu trúc đề thi; từ đó xây dựng nội dung và hướng dẫn học sinh ôn tập hiệu quả.

Đề thi minh họa giúp học sinh hình dung cụ thể hơn về cấu trúc, nội dung cũng như mức độ cần đạt của đề thi từng môn học. Ảnh: Quỳnh Trang

Cô Kiều Hoa lưu ý thêm, căn cứ vào đề thi minh họa, giáo viên triển khai xây dựng bộ đề thi theo các giai đoạn, bảo đảm bám sát cấu trúc, yêu cầu cần đạt về mức độ nhận thức của đề minh họa.

Bên cạnh đó, giáo viên cần mở rộng phạm vi đề tài, coi khung chương trình và mục tiêu cần đạt của chương trình là cơ sở cho hoạt động dạy - học - kiểm tra; tránh coi đề minh họa là kim chỉ nam, thước đo cho việc dạy, học, kiểm tra. Điều này khiến việc dạy và học trở nên rập khuôn, máy móc, mất tính chủ động, sáng tạo, học sinh khó thích ứng với các kỳ thi trong tương lai; làm sai lệch quan điểm, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TS. Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, nguyên tắc học sinh phải học đến lớp 12 mới công bố đề thi minh họa.

Tuy nhiên, năm 2025 là kỳ thi đầu tiên của lứa học sinh có 3 năm học THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, với giáo viên, sau khi có đề minh họa, thầy cô phải lập kế hoạch dạy học theo giai đoạn: Dạy học kiến thức nền, dạy - ôn theo chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức nền, khai thác sâu các đơn vị bài học trọng tâm; tiến hành kiểm tra, đánh giá theo chu kỳ, xem có phản hồi tích cực với học sinh, phụ huynh để cải tiến phương pháp, cách thức dạy - học trong các giai đoạn tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn