MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có chiến lược ôn thi hiệu quả sẽ giúp học sinh đạt kết quả cao. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Thi vào lớp 10: “Mẹo” hay ghi nhớ nhanh kiến thức môn Lịch sử

HUYÊN NGUYỄN LDO | 17/03/2021 19:09
Một số kĩ năng, “mẹo” làm bài thi sẽ giúp học sinh chủ động ôn tập để đạt kết quả cao với môn Lịch sử thi vào lớp 10.

5 lưu ý quan trọng

TS Lê Thị Thu Hương - giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định việc Hà Nội và một số tỉnh thành lựa chọn môn thi Lịch sử khiến nhiều phụ huynh và học sinh lớp 9 không tránh khỏi bất ngờ, lo lắng bởi năm 2020 đã bỏ thi môn thứ tư do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong giai đoạn này, TS Hương đưa ra 5 lưu ý quan trọng cho học sinh lớp 9 để việc học và ôn thi môn Lịch sử đạt hiệu quả cao.

Một, học sinh nên tạo tâm thế thoải mái, tránh lo lắng quá mức, chủ động điều chỉnh kế hoạch học và ôn tập của mình phù hợp với lượng kiến thức hiện có của 4 môn thi vào THPT. Những học sinh chủ quan từ đầu năm lớp 9 chưa tập trung học môn Lịch sử thì cần ưu tiên thời gian ôn thi của mình cho môn học này.

Hai, đọc kĩ sách giáo khoa, nắm được kiến thức cơ bản của mỗi bài học, cần hiểu các sự kiện lịch sử, chú ý trả lời các câu hỏi cuối mục và cuối bài.

Ba, phân bố thời gian học môn Lịch sử cho hợp lí. Kiến thức phần Lịch sử Việt Nam (1919 - 2000) chiếm nhiều điểm trong bài thi nên tập trung thời gian ôn tập nhiều hơn (chiếm ⅔ bài thi); Kiến thức Lịch sử thế giới (1945 - 2000) cần đọc kĩ để hiểu được kiến thức của mỗi bài, điểm phần Lịch sử thế giới chiếm khoảng ⅓ bài thi.

Bốn, sau mỗi chương cần luyện tập bằng việc trả lời các câu hỏi trắc nghiệm do giáo viên cung cấp hoặc từ các tài liệu tham khảo chính thống, các nhà xuất bản có uy tín.

Năm, hai tuần trước khi thi, tập trung luyện đề tổng hợp cả kiến thức Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam để rèn kỹ năng và kinh nghiệm làm bài thi.

This browser does not support the video element.

TS Lê Thị Thu Hương hướng dẫn ôn tập môn Lịch sử. Video: HOCMAI

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Giáo viên Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhắn nhủ: Học sinh cần bình tĩnh, lập kế hoạch ôn tập, phân chia khối lượng kiến thức theo từng chặng, ôn tập từ khái quát để nắm các nội dung lớn trước sau đó mới đi vào các nội dung cụ thể, chi tiết, giai đoạn cuối nên dành để luyện đề. Ngoài ra, các em cần phải đặt ra những mục tiêu cụ thể cho mình qua từng thời gian và phấn đấu để hoàn thành mục tiêu đó.

“Mẹo” hay trong giai đoạn nước rút

Tính từ thời điểm này cho đến khi kỳ thi chính thức diễn ra, học sinh sẽ còn khoảng hơn 2 tháng để ôn luyện kiến thức. Trong khi Lịch sử là môn xã hội có đặc thù yêu cầu nhiều về khả năng ghi nhớ, nên vấn đề khó khăn của học sinh là phương pháp học để ghi nhớ lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn trước kỳ thi.

Vì vậy, Thạc sĩ Tuyết Trinh đã đưa ra một số “mẹo” hay giúp học sinh ghi nhớ nhanh kiến thức của môn Lịch sử. Cụ thể như sau:

Một, luôn đặt sự kiện vào trong một diễn biến tổng thể, không ghi nhớ các sự kiện một cách rời rạc.

Hai, tìm ra các từ khóa cho sự kiện hoặc nội dung kiến thức, học từ các từ khóa đó để nắm được toàn bộ nội dung của bài học.

Ba, lập công thức cho một số dạng kiến thức thường gặp. Ví dụ, nguyên nhân sự kiện sẽ có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nguyên nhân chủ quan luôn đóng vai trò quyết định; Ý nghĩa lịch sử của một sự kiện luôn là khép lại cái cũ, mở ra cái mới…

Bốn, với những nội dung quá nhỏ, hoặc khó nhớ nên sử dụng các flashcard gắn vào những nơi dễ thấy để học và ghi nhớ kiến thức mọi lúc, mọi nơi.

Năm, gắn các sự kiện lịch sử với sự kiện cá nhân dựa vào một mối liên hệ nào đó, ví dụ ngày sinh nhật của mình trùng với ngày giải phóng miền Nam…

“Đối với môn Lịch sử thi vào lớp 10 là môn thi trắc nghiệm, thay vì học thuộc lòng để nhớ kiến thức thì học sinh cần học hiểu, phải thực sự hiểu kiến thức; hiểu lịch sử thì các em hoàn toàn chủ động được bài thi của mình và sẽ đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, các em nên lập sơ đồ tư duy để học, học qua các giai đoạn lịch sử đồng thời lập các bảng niên biểu, ứng với mỗi giai đoạn lịch sử hãy gắn thời gian và sự kiện đi kèm với nhau để dễ dàng ghi nhớ chúng.” - TS Lê Thị Thu Hương gợi ý thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn