MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều thiết bị công nghệ tinh vi nhằm mục đích gian lận thi cử.

Thiết bị gian lận thi cử ngày càng tinh vi, Bộ GDĐT đề nghị giám thị nâng cao cảnh giác

Đặng Chung LDO | 16/06/2018 13:00
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, mỗi giám thị tham gia kỳ thi THPT quốc gia không chỉ làm tốt công tác coi thi, mà còn cần có “nghiệp vụ”, kỹ năng để phát hiện việc thí sinh sử dụng thiết bị gian lận thi cử ngày càng tinh vi, thủ đoạn.

Hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại các điểm thi 

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT tại Hội nghị thông tin về công tác chuẩn bị tổ chức thi THPT quốc gia 2018 diễn ra sáng 16.6 tại Thanh Hóa.

Theo đánh giá của ông Bằng, để kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo tính khách quan, công bằng, việc thanh tra, giám sát đóng vai trò hết sức quan trọng. Năm nay, Bộ GDĐT sẽ tăng cường công tác này, để đảm bảo những người tham gia tổ chức thi phải làm đúng chức trách của mình theo quy chế.

 Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng.

“Bộ đã có công văn 1486 ban hành từ ngày 16.4, hướng dẫn tất cả các Sở GDĐT triển khai công tác thanh tra. 

Thanh tra Bộ sẽ có quyền thanh tra tất cả các điểm thi, ở tất cả các khâu, thanh tra từ Chủ tịch Hội đồng thi trở xuống. Năm nay có điểm mới là Bộ chỉ đạo việc chấm thi có thanh tra chốt ở tất cả 63 điểm thi” - ông Nguyễn Huy Bằng cho biết.

Ngoài lực lượng thanh tra từ phía Bộ, Giám đốc Sở GDĐT các địa phương cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra độc lập để giám sát kỳ thi. Bộ đã chỉ đạo ở mỗi điểm thi cần có 2 thanh tra cắm chốt, trong đó một người của Sở, một người của trường đại học để đảm bảo giám sát lẫn nhau.

“4.000 cán bộ thanh tra thi năm nay đều không phải là cán bộ thanh tra chuyên nghiệp mà là các cán bộ của phòng đào tạo, phòng khảo thí, một số cộng tác viên thanh tra của các Sở. Chúng tôi đã yêu cầu các Sở phải chọn những người nghiêm túc, hiểu biết về quy chế thi, trực tiếp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra của 63 Sở, bảo đảm không những nắm chắc được quy chế thi mà phải nắm được nghiệp vụ thanh tra và đặc biệt phải có tinh thần thái độ, tinh thần trách nhiệm cao”- Chánh Thanh tra Bộ GD ĐT khẳng định.

Giám thị nghiêm túc thì kỳ thi mới nghiêm túc

Cũng tại hội nghị, báo chí đặt vấn đề về việc hiện nay với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị gian lận thi cử ngày càng tinh vi, phía Bộ GD ĐT đã có những biện pháp gì để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, chống gian lận?

Về điều này, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, thời gian qua, Bộ GDĐT đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nghiệp vụ coi thi cho lực lượng giám thị. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ trông thi, hướng dẫn thí sinh thực hiện đúng quy chế, giám thị cũng được chia sẻ những kinh nghiệm để phát hiện việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử.

“Việc gian lận diễn ra ở nhiều nơi, không cứ ở Việt Nam. Để giảm việc này, Bộ GDĐT tăng cường công tác tuyên truyền, để thí sinh và cả giám thị làm thi đều phải nghiêm túc. Việc gian lận có thể đến từ thí sinh như mang tài liệu vào phòng thi, chép bài của thí sinh khác, hay tinh vi hơn là sử dụng các thiết bị công nghệ cao để truyền đề thi ra ngoài và tuồn đáp án vào trong phòng thi. Năm 2017, chúng tôi phát hiện thí sinh sử dụng tai nghe nhỏ xíu như hạt đậu để gian lận hay những thiết bị mắt thường nhìn như máy tính thông thường nhưng thật ra là dụng cụ có truyền phát sóng".

Chánh thanh tra Bộ cũng cho rằng, việc phát hiện thí sinh gian lận không khó nếu tất cả giám thị đều làm việc tập trung, hết trách nhiệm của mình. Bởi những thí sinh có hành vi gian lận sẽ có dấu hiệu không bình thường, Bộ đã tập huấn cho giám thị rất nhiều tình huống có thể xảy ra trong phòng thi và cách xử lý. Quan trọng nhất vẫn là tinh thần, thái độ của giám thị. Giám thị nghiêm túc thì kỳ thi mới diễn ra nghiêm túc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn