MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thiết bị sáng tạo giúp nhóm sinh viên Bách Khoa nổi danh có gì?

Đức Mạnh - Thiều Trang LDO | 30/03/2021 17:01
Vừa qua, một thiết bị theo dõi tốc độ truyền dịch đã giúp 5 bạn trẻ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội giành giải nhất Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2020. Vậy thiết bị này có gì nổi bật?

Bắt nguồn từ thực trạng các bác sĩ phải làm việc quá tải để chăm sóc bệnh nhân do dịch COVID-19, nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Bách quyết định nghiên cứu một thiết bị hỗ trợ theo dõi tốc độ truyền dịch.

Từ đó, giám sát dung lượng còn lại của bình truyền và cảnh báo, để các y bác sĩ không phải theo dõi thường xuyên.

5 thành viên của nhóm BK307: Nguyễn Văn Hà, Ngô Mạnh Tùng, Trần Việt Cường, Triệu Văn Đức, Phạm Thành Tôn. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV Lao Động, Nguyễn Văn Hà, trưởng nhóm BK307 cho biết, đề án của nhóm xây dựng được hệ thống quản lý, cảnh báo khi có sự cố ở bình truyền dịch; lưu trữ dữ liệu của tất cả bệnh nhân đã truyền dịch.

Y bác sĩ hoàn toàn có thể điều chỉnh vận tốc từ xa mà không cần đến tận giường bệnh của bệnh nhân. Ngoài ra còn có hệ thống kiểm tra tự động khoá bình truyền nếu phát hiện đại sót trong quá trình truyền dịch.

Nhờ những tính năng đó, nhân viên giám sát sẽ quản lý được tất cả bệnh nhân đang sử dụng bình truyền dịch, bao gồm danh sách các bệnh nhân đang được truyền, loại dung dịch đang được truyền, tốc độ truyền, số lượng bình cần truyền, số lượng bình đã thay…

Một bác sĩ, y tá có thể chăm sóc cho nhiều bệnh nhân một lúc, tiết kiệm thời gian, sức lực và trên hết là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Hà và những người bạn đồng hành đã đưa đề án đi tham dự các triển lãm, hội chợ thương mại, sự kiện quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, BK307 đã giành giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2020.

Trưởng nhóm không giấu nổi niềm phấn khởi mà cho hay: "Qua cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa, việc giành được giải nhất chung cuộc là một minh chứng rõ nhất cho tính khả thi của dự án để áp dụng đưa vào thực tế. Tuy chỉ là sản phẩm hỗ trợ công tác y tế nhưng lại giúp tiết kiệm công sức của y bác sĩ và người thân bệnh nhân."

Qua cuộc những sân chơi này, 5 chàng trai mong muốn được Đại học Bách Khoa Hà Nội nói riêng và các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở y tế nói chung cùng chung tay hỗ trợ nhóm để đưa sản phẩm đến mỗi giường bệnh một cách nhanh nhất.

Nhỏ gọn là ưu điểm của thiết bị hỗ trợ theo dõi tốc độ truyền dịch. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, nhóm vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.

"Bọn mình đang cố gắng nâng cao khả năng truyền nhận tín hiệu, sao cho độ trễ của đường truyền dữ liệu là thấp nhất. Do đó, nhóm hướng đến xây dựng sản phẩm dựa trên các công nghệ mới như là 5G", Nguyễn Hà chia sẻ thêm.

Chia sẻ về những dự định với dự án, BK307 đang chuẩn bị những bước tiếp tục phát triển để sản phẩm được hoàn thiện hơn.

Cụ thể như tích hợp thêm cảnh báo bằng giọng nói, xây dựng nhiều phương pháp truyền nhận tín hiệu mà không phụ thuộc vào wifi...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn