MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 với giáo dục tiểu học, vấn đề thừa thiếu giáo viên được nhiều đại biểu đề cập. Ảnh: Thế Đại

Thiếu giáo viên dạy chương trình mới, nhiều địa phương xin bổ sung biên chế

Đặng Chung LDO | 12/08/2021 22:35

Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, việc thiếu giáo viên đã và đang gây áp lực vô cùng lớn lên đội ngũ nhà giáo. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học tổ chức ngày 12.8, vấn đề này một lần nữa được nhiều địa phương đề cập.

Nhiều nơi thiếu giáo viên thực hiện chương trình mới

Ông Trần Tuấn Nam - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Bắc Giang - dẫn thực tế tại địa phương đang diễn ra tình trạng thiếu giáo viên cấp tiểu học. Địa phương đã nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất để đảm bảo việc học sinh được học 2 buổi/ngày, tuy nhiên việc thiếu giáo viên thì chưa khắc phục được.

Lãnh đạo ngành Giáo dục Bắc Giang cũng lo sắp tới khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 2, dù cố xoay xở nhưng nhiều khả năng khó đảm bảo đủ giáo viên để dạy 2 buổi/ngày theo yêu cầu.

“Chúng tôi đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ để bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục, trong đó có Bắc Giang”- ông Nam đề xuất.

Cũng giống như Bắc Giang, Hà Nội cũng xảy ra việc thiếu giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là giáo viên môn tiếng Anh và Tin học.

Để dạy học ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần, Hà Nội cần khoảng 1.500 giáo viên tiếng Anh tiểu học. Tuy nhiên, hiện thành phố có 800 giáo viên, như vậy cần tuyển mới khoảng 700 người.

Ngoài vấn đề chỉ tiêu biên chế được giao chưa sát với nhu cầu thực tế, theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, một điều nữa khiến việc thiếu giáo viên xảy ra là khó khăn trong việc thu hút, tuyển dụng.

“Hầu hết giáo viên khi đã có bằng tin học, thì họ đến các công ty để làm, lương cao hơn, chứ không ứng tuyển làm giáo viên”- ông Tiến nêu thực tế.

Tại hội nghị, rất nhiều địa phương đã nêu thực tế này và đồng loạt đề xuất Bộ GDĐT có đề xuất với Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ để bổ sung thêm biên chế giáo viên, giúp ngành Giáo dục có đủ nguồn nhân lực đáp ứng lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

This browser does not support the video element.

Thiếu giáo viên hiện là bài toán đặt ra với toàn ngành Giáo dục. (Một số hình ảnh ghi hình trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại). Video: Tường Vân - Đặng Chung

Thiếu giáo viên làm tăng áp lực lên đội ngũ nhà giáo

“Giáo viên bận rộn, quá tải, phải dồn lớp, ghép lớp, giáo viên dạy thêm giờ nhưng không được thêm lương... cũng là thực tế diễn ra tại nhiều địa phương mà phóng viên ghi nhận được trong năm học vừa qua.

Trên chặng đường đổi mới giáo dục hiện nay, cả kỳ vọng và nỗi lo đều tập trung vào đội ngũ nhà giáo - vốn được xem là khâu then chốt, quyết định chất lượng giáo dục và sự thành công của cuộc đổi mới.

Lực lượng đóng vai trò quan trọng là vậy, nhưng hiện nay tại nhiều cơ sở giáo dục vẫn đang loay hoay giải bài toán làm sao vừa đủ số lượng giáo viên đứng lớp, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để đạt chuẩn theo yêu cầu mới.

Để đáp ứng yêu cầu của Bộ GDĐT, học sinh tiểu học được học tối thiểu 32 tiết/tuần (tương đương 9 buổi/tuần), phải bảo đảm được tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Nhưng thực tế, nhiều địa phương không đảm bảo được theo tỉ lệ này.

Việc thiếu giáo viên dẫn đến tình trạng thầy cô phải dạy tăng tiết. Đặc biệt, từ năm học 2020-2021 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, yêu cầu đội ngũ nhà giáo phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực người học. Việc soạn bài, thiết kế các hoạt động để học sinh được tương tác nhiều hơn... đang chiếm rất nhiều thời gian của giáo viên ngoài giờ lên lớp.

Hiện các cấp, ngành đang cố gắng để học sinh lớp 2 cũng được học 2 buổi/ngày, đáp ứng theo yêu cầu của chương trình GDPT mới. Nếu bài toán thiếu giáo viên không sớm được giải quyết, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và gây áp lực rất lớn lên đội ngũ nhà giáo.

Theo số liệu của Bộ GDĐT, hiện nay toàn quốc thiếu khoảng 95.000 giáo viên. Trong đó, hơn một nửa là giáo viên mầm non với số lượng là 48.000 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 21.000 giáo viên. Đặc biệt, nhiều nơi đang bị thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học và các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng như tăng quy mô dân số hàng năm; di dân tự do; huy động trẻ mầm non, học sinh phổ thông đến lớp tăng cao nhằm thực hiện công tác phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị về nguồn lực và nhân lực cho giáo dục ở các địa phương không kịp thời nên tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ càng trở nên trầm trọng và kéo dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn