MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra phổ biến ở cấp học Mầm non, Tiểu học. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Thiếu giáo viên, Phú Thọ lên kế hoạch tuyển 1.400 biên chế trong 6 tháng

Tô Công LDO | 25/02/2023 09:48
Trong thời gian tới, ngành giáo dục của tỉnh Phú Thọ dự kiến tuyển bổ sung hơn 1.400 biên chế giáo viên các cấp học, trong đó hơn 800 biên chế giáo viên mầm non.

Những năm qua, tình trạng thiếu giáo viên các cấp học tại tỉnh Phú Thọ diễn ra khá phổ biến. Thời điểm bắt đầu năm học mới 2022 - 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 22.702 biên chế, trong đó có 18.873 giáo viên và 3.829 cán bộ quản lý, nhân viên tại các cơ sở giáo dục... thiếu 3.309 giáo viên ở các cấp học nếu so với quy định tại các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022-2023.

Đặc biệt, đối với bậc Mầm non, theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, trong hai năm 2021 và 2022, toàn tỉnh có 121 giáo viên mầm non nghỉ việc, chuyển việc. Hiện nay, tổng số giáo viên mầm non biên chế có mặt là 4.383 người, đạt tỷ lệ 1,38 giáo viên/lớp, trong khi nhu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 7.154 giáo viên để bảo đảm tỷ lệ 2,2 giáo viên/nhóm lớp mẫu giáo và 2,5 giáo viên/nhóm trẻ.

 Phú Thọ sẽ tuyển bổ sung nhiều giáo viên biên chế ở cấp học Mầm non. Ảnh: Tô Công.

Theo quy định thì tỉnh Phú Thọ đang thiếu so với nhu cầu 2.779 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non so với chỉ tiêu xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, nhiều nhất là huyện Cẩm Khê thiếu 337 giáo viên, huyện Đoan Hùng thiếu 313 giáo viên, thành phố Việt Trì thiếu 285 giáo viên...

Nguyên nhân được nhắc đến đầu tiên khi nói về tình trạng thiếu giáo viên là vì công tác tinh giảm biên chế, tiếp đó là vì chế độ lương, thưởng còn thấp, nhất là với giáo viên cấp học Mầm non và Tiểu học khiến nhiều người "chùn bước" khi muốn bước chân vào nghề, hoặc những người đã làm giáo viên dù nhiều năm nhưng vì thu nhập ít ỏi nên đã bỏ nghề để theo những ngành khác. Một vài lý do khác được đưa ra là vì những áp lực của nghề giáo viên từ công việc, thi tuyển, chứng chỉ phải hoàn thành, thậm chí từ phụ huynh học sinh... càng ngày càng lớn.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê) chia sẻ: "Trước đây, tôi có đi dạy hợp đồng tại trường Tiểu học Nguyễn Khắc Nghiên, mặc dù trường chỉ cách nhà tôi vài trăm mét rất thuận tiện cho việc đi làm, nhưng vì lương thấp và mất nhiều thời gian nên tôi nghỉ việc, một là để tìm kiếm công việc khác có thu nhập cao hơn để lo cho gia đình, hai là có thời gian chăm sóc con nhỏ. Cho đến nay, tôi vẫn chưa có ý định đi làm lại".

Luân chuyển giáo viên dạy liên trường là một cách đang được nhiều huyện, thị sử dụng để khắc phục khó khăn do thiếu giáo viên. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cho biết, về tình trạng thiếu giáo viên biên chế, Sở đã báo cáo tới UBND tỉnh. Đồng thời, tại các địa phương đang áp dụng những biện pháp khắc phục như tăng cường ký hợp đồng với các giáo viên, luân chuyển đội ngũ giáo viên dạy liên trường để bảo đảm phục vụ cho công tác dạy và học.

"Giáo viên hợp đồng cơ bản vẫn đáp ứng được, nhưng giáo viên biên chế hiện nay thiếu nên sẽ phải tuyển bổ sung, dự kiến từ nay đến hè, trước khi năm học mới 2023 - 2024 bắt đầu, ngành giáo dục của tỉnh sẽ tuyển thêm khoảng 1.400 giáo viên các cấp học, trong đó hơn 800 biên chế giáo viên mầm non" - ông Mạnh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn