MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thiếu giáo viên trầm trọng nhưng sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp

Vân Trang LDO | 03/08/2023 07:30

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập trên cả nước tiếp tục gia tăng.

Thiếu hàng nghìn giáo viên cho năm học mới

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến hết năm học 2022 - 2023, cả nước có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông, tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, khối công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập 11,43%.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế cho ngành giáo dục, riêng năm học 2022 - 2023 là 27.850 chỉ tiêu. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 5.2023, theo Bộ GDĐT, các địa phương mới tuyển được 15.540 giáo viên.

So sánh số lượng giáo viên năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023. Nguồn: Bộ GDĐT

Hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người).

Tỉ lệ giáo viên/lớp năm học 2022 - 2023. Nguồn: Bộ GDĐT

Bộ GDĐT chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến việc số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu nhiều so với năm học trước, là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).

Thiếu giáo viên, sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp?

Theo nhiều thầy cô, mặc dù ngôi trường họ đang dạy thiếu giáo viên, nhưng địa phương lại không được giao chỉ tiêu tuyển dụng. Điều này dẫn đến nghịch lí thiếu trầm trọng giáo viên nhưng sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp.

Trường hợp của anh Nguyễn Phú Lâm (Khánh Hoà) là một điển hình cho việc này. Năm 2020, anh Lâm tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế và có nguyện vọng về địa phương để công tác, sinh sống. Tuy nhiên, đến nay, anh vẫn chưa có cơ hội đi dạy tại bất kì trường học nào trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà và hiện đi dạy thêm ở 1 trung tâm ngoại ngữ.

"Đợi mãi, địa phương không tổ chức tuyển dụng giáo viên mới, tôi đã đi đến các trường THPT, THCS để xin dạy hợp đồng. Nhưng thầy, cô hiệu trưởng đều có chung một câu trả lời, nhà trường không có nhu cầu tuyển dụng" - anh Lâm chia sẻ.

Trước thềm năm học mới, Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao bảo đảm số lượng và chất lượng (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu); sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn