MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển mới được 17.208 giáo viên. Ảnh: Hải Nguyễn

Thiếu hơn 74.000 giáo viên cho năm học mới

Vân Trang LDO | 30/08/2023 06:33

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cả nước hiện còn hơn 74.000 biên chế giáo viên được giao từ những năm trước nhưng chưa tuyển được.

Hơn 9.000 giáo viên nghỉ việc trong năm qua

Theo báo cáo của Bộ GDĐT ngày 29.8, tính đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông so với định mức quy định.

Trong đó, cấp mầm non thiếu 51.955 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 33.112 giáo viên, cấp THCS thiếu 19.304 giáo viên, cấp THPT thiếu 13.882 giáo viên. So với năm học 2021 - 2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 giáo viên.

Bộ GDĐT nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng nhiều là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).

Ở cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày tăng 4,6% so với năm học 2021 - 2022 (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày và cần thêm khoảng 3.000 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học 2021 - 2022 (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).

Ngoài ra, năm học 2022 - 2023 toàn quốc có số lượng giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc nhiều (10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc). Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Bên cạnh nguyên nhân chính, còn một số nguyên nhân khác như: Tỉ lệ giáo viên/lớp trước năm 2015 thấp; thiếu nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù; sức hút vào ngành còn hạn chế; việc tuyển dụng và tinh giản biên chế ở một số nơi còn bất cập, một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế còn cào bằng về tỉ lệ, chưa linh hoạt, còn cắt giảm cơ học số lượng người làm việc...

Năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển mới được 17.208 giáo viên, chỉ bằng 61% chỉ tiêu biên chế được giao. Bên cạnh đó, toàn quốc còn 74.172 biên chế giáo viên được giao từ những năm trước nhưng chưa tuyển được.

Nhiều giải pháp khắc phục

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành vừa diễn ra, vấn đề thiếu giáo viên, địa phương khó khăn trong nguồn tuyển được nhiều địa phương đưa ra.

Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, hiện số giáo viên tại tỉnh đạt 86,5% so với định mức. Từ năm 2021 đến nay, địa phương tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân 2 đợt 1 năm với tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 2.532, nhưng số đăng kí chỉ 1.359, chiếm 53,7%.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GDĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất giao bổ sung biên chế giáo viên. Trên cơ sở đề xuất, Bộ Chính trị đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Về lâu dài, Bộ GDĐT đang tập trung hướng tới việc củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của giáo viên; ổn định cuộc sống giáo viên.

Bộ GDĐT cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức giáo viên/lớp; Thí điểm cơ chế tự chủ đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Tiếp tục, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về chế độ chính sách đối với nhà giáo để thu hút nhân sự; Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học; Chuẩn bị đủ nguồn tuyển giáo viên…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn