MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Quý An

Thiếu hụt nhân lực STEM trình độ cao

Quý An LDO | 18/08/2023 14:11

Nhấn mạnh tình hình thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM trên thị trường lao động Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, trường đại học cần nắm bắt nhu cầu này, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vấn đề này được nêu lên tại Hội nghị Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEMCON) do Đại học Bang Arizona (ASU) phối hợp với Trường Đại học Phenikaa tổ chức ngày 18.8.

Tại sự kiện, các đại biểu đã đưa ra những đóng góp cho việc xây dựng lực lượng lao động ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Hội nghị với chủ đề “Nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực STEM tại Việt Nam: Xây dựng Kỹ năng Số hóa, Tài năng Công nghệ và Kỹ thuật trên Quy mô Lớn', đã quy tụ hơn 200 đại biểu tham dự là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trường đại học, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân tham dự.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, giáo dục đại học trong 10 năm qua đã có những thay đổi mạnh mẽ, tự chủ đại học đã được thể chế hóa hợp lý… và đạt được các kết quả tích cực. Một số trường đã lọt vào bảng xếp hạng của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác giáo dục quốc tế, trong đó Mỹ là đối tác hợp tác lớn nhất.

Ông Phúc nhận định, dù đổi mới giáo dục đại học đã góp phần nâng cao chất lượng, nhưng so với yêu cầu phát triển chung, chất lượng giáo dục đại học vẫn chưa thể đáp ứng.

Các trường ĐH Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Mỹ. Chẳng hạn, trong khi mặt bằng chung học phí tại Mỹ đều ở mức cao, Đại học Arizona State (ASU) đã tạo ra chất lượng đào tạo hàng đầu với học phí vừa phải để số đông có thể tiếp cận được, không bị lãng phí nguồn nhân tài nhờ việc tận dụng triệt để công nghệ trong lĩnh vực đào tạo.

Một yếu tố khác được nhắc đến là chi phí cho nghiên cứu khoa học ở các trường đại học của Việt Nam còn khiêm tốn, một phần do ngân sách còn hạn chế.

“Ngay cả châu Âu, nguồn lực trong khối ngành STEM vẫn đang thiếu, nhưng vẫn trong quá trình thay đổi nhanh chóng. Các trường ở Việt Nam cần phải bắt kịp, nếu không sẽ bị ảnh hưởng quá trình công nghiệp hóa do thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là các ngành công nghệ cao” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Trong các phiên tham luận, đại diện các doanh nghiệp đã đi sâu vào các chủ đề phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp và nhà trường, giải quyết các thách thức và vạch ra các lộ trình chiến lược hướng tới việc nuôi dưỡng nguồn nhân tài STEM của Việt Nam.

Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh Dự án thúc đẩy hợp tác trường đại học – doanh nghiệp thông qua đổi mới và công Nghệ (BUILD-IT) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác với nhà trường, doanh nghiệp và Bộ GDĐT Việt Nam góp phần quan trọng vào việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật ở bậc giáo dục đại học.

Cho đến nay, có 102 chương trình kỹ thuật và công nghệ thuộc 9 trường đại học đối tác đã đạt được kiểm định từ các tổ chức trong khu vực hoặc quốc tế nhờ hỗ trợ của USAID. Hàng triệu đô la Mỹ đầu tư tư nhân đã được huy động thông qua dự án BUILD-IT để cải thiện chương trình giảng dạy, đào tạo giảng viên, hiện đại hóa cơ sở vật chất và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn