MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tự tin học bạ THPT "đẹp", thí sinh nhẹ gánh vào đại học. Ảnh: Hải Nguyễn

Thờ ơ với điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chọn đường khác vào đại học

Trần Hạnh LDO | 17/05/2024 06:15

Nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn phương thức xét tuyển sớm vào đại học thay vì trông chờ vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tự tin học bạ "đẹp"

12 năm nỗ lực đèn sách với đích đến chính là cánh cổng trường đại học, nhiều thí sinh chọn đi con đường an toàn là xét tuyển sớm. Hiểu đơn giản, đó là các phương thức tuyển sinh đại học không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT - thường là các phương thức xét tuyển như học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng.

Tự tin với bảng điểm 3 năm học phổ thông, em Đỗ Minh Châu - học sinh lớp 12, Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết, bản thân ưu tiên phương thức xét học bạ vào ngôi trường mong ước.

"Điểm học bạ của em đủ đẹp để tự tin nộp vào các cơ sở giáo dục đại học. Đây cũng là phương án an toàn, giúp em tăng cơ hội đỗ, thay vì trông chờ vào điểm thi tốt nghiệp THPT" - Châu nói.

Lựa chọn phương thức xét tuyển kết hợp học bạ và chứng chỉ IELTS, em Lê Nguyễn Minh Anh - học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) - cho hay, bản thân tự tin với điểm học bạ.

"Điểm học bạ 2 môn trong tổ hợp xét tuyển của em tương đối tốt, điểm IELTS cũng không thấp so với mặt bằng chung nên em tự tin nộp hồ sơ xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hình thức xét tuyển này cũng giúp em giảm áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT" - Minh Anh chia sẻ.

Lưu ý khi tham gia xét tuyển sớm

Năm 2024, ghi nhận từ các cơ sở giáo dục đại học đã công bố phương án tuyển sinh cho thấy, nhiều trường ưu tiên việc xét tuyển theo phương thức riêng và không mặn mà với điểm thi tốt nghiệp THPT khi tỉ lệ dành cho phương thức này đã giảm đáng kể.

Dành lời khuyên cho thí sinh khi tham gia xét tuyển sớm, TS Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam - cho rằng, các bạn cần đọc kỹ đề án tuyển sinh, từ đó nắm rõ điều kiện tuyển sinh, các phương thức xét tuyển và điều kiện phụ (nếu có). Tiếp theo cần nắm rõ thời gian tổ chức xét tuyển để tránh việc nộp muộn hoặc bỏ lỡ cơ hội.

"Các em cần đặc biệt lưu ý, kết quả trúng tuyển sớm chỉ là tạm thời, không phải là trúng tuyển chính thức. Dù trúng tuyển theo phương thức nào, thí sinh đều phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo" - TS Long lưu ý.

Nhiều thí sinh cũng bày tỏ băn khoăn về việc nếu không trúng tuyển sớm thì có còn cơ hội trúng tuyển đại học ở các phương thức khác không?

Về vấn đề này, TS Trần Khắc Thạc - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thuỷ lợi - cho biết, học sinh vẫn có cơ hội trúng tuyển vào ngành đó, trường đó ở các phương thức xét tuyển khác. Vì vậy, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng ở một cơ sở giáo dục, nhằm tăng cơ hội vào đại học.

Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 trường đại học công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm năm 2024. Các cơ sở giáo dục đại học lưu ý, đây là kết quả xét tuyển sớm, diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT nên thí sinh chỉ được công nhận đạt mức trúng tuyển, chưa trúng tuyển chính thức, chưa được nhập học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn