MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ GDĐT bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Thông tư mới về bổ nhiệm, xếp lương chưa đáp ứng hết nguyện vọng giáo viên

Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa LDO | 16/04/2023 12:36

Thông tư mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành đã sửa đổi những bất cập trong các Thông tư 01, 02, 03, 04 về xếp lương, tiêu chuẩn với giáo viên trường công lập. Đây là tin vui đối với nhiều giáo viên, nhưng thầy cô vẫn có những băn khoăn.

Ngày 14.4 Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30.5.2023.

Những nội dung mới quan trọng của Thông tư 08 là giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm; bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạngchỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên.

Mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức chỉ chức danh nghề nghiệp; khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: Trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp hiện đang được xếp theo Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề.

Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm vào chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.

Như vậy, Bộ GDĐT đã lắng nghe, sửa đổi những bất cập trong các Thông tư 01, 02, 03, 04 trước đây, giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, có lợi hơn và tránh được việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Giáo viên cũng không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học nữa.

Dù vậy, Thông tư 08 vẫn chưa đáp ứng hết kỳ vọng của giáo viên bởi các thầy cô đều có mong muốn được bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp. Trong khi đó, thông tư mới quy định, giáo viên vẫn phải có 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. 

Vậy cơ sở nào để các thầy cô kiến nghị bỏ loại chứng chỉ này?

Để được đứng trên bục giảng thầy cô phải mất 3 năm đối với hệ cao đẳng sư phạm, 4 năm với hệ đại học sư phạm. Điều này được đảm bảo bằng trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong giảng dạy và thể hiện trong các văn bằng.

Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không có ứng dụng thực tiễn, nâng cao chất lượng dạy học, chỉ mang tính hình thức, tốn thời gian, tiền của giáo viên bỏ ra để đi học lấy chứng chỉ.

Chưa kể, nội dung chương trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức thầy cô đã được học trong các trường sư phạm.

Nếu Bộ GDĐT không thể bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp vì vướng luật Viên chức 2010 và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP thì nên hướng dẫn cho phép giáo viên tự học, tự bồi dưỡng, đưa nội dung học bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp lồng ghép vào chương trình tự học bồi dưỡng thường xuyên hàng năm của giáo viên ở nhà trường, có kiểm tra đánh giá của cấp có thẩm quyền là thuận lợi hơn.

Điều này giúp giáo viên không phải mất thêm thời gian sáu tuần và số tiền không nhỏ để đi học lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn