MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thu học phí không dùng tiền mặt: Người mừng, người lo

Phùng Nhung LDO | 04/07/2022 17:04

Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt đến các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều phụ huynh bày tỏ vui mừng vì tiện lợi. Số khác lại thể hiện thái độ lo ngại vì gặp khó khăn trong quá trình giao dịch.

Tiện lợi hay bất lợi?

Nhằm triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Bộ GDĐT đề nghị, các bộ, ngành, địa phương quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tiếp nhận thông tin này, rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự đồng tình vì phương thức trên giúp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, số khác lại bày tỏ quan ngại vì chưa thành thạo sử dụng các ứng dụng chuyển tiền, gặp khó khăn trong quá trình giao dịch.

Chị Trần Minh - phụ huynh học sinh Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) bày tỏ vui mừng trước thông tin này. Chị cho biết hình thức thanh toán này có thể giảm bớt những thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian. Phụ huynh có thể thanh toán ở mọi lúc mọi nơi mà không cần trực tiếp tới trường để xếp hàng dài chờ đóng học phí.

“Trước đây khi tan làm, tôi đón con rồi tranh thủ đóng học phí, điều này rất mất thời gian bởi chậm một chút thì phòng tài chính sẽ hết giờ làm việc hoặc đúng đợt cao điểm thì phụ huynh sẽ đến và phải xếp hàng khá lâu.

Điều này gây ra bất lợi, nhiều hôm không đóng được học phí thì phải trở lại vào hôm sau. Vì vậy, tôi rất ủng hộ phương thức không dùng tiền mặt, dù ở nhà hay ở công ty đều có thể thực hiện các giao dịch thanh toán” - chị Minh cho biết.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Hải - phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học (Vĩnh Phúc) chia sẻ, thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế chung hiện nay. Anh Hải thường xuyên sử dụng ví điện tử để thanh toán điện, nước, mua vé máy bay, vé tàu, thao tác rất đơn giản và nhanh chóng.

Bên cạnh đó, chị Cầm Thanh Thuỷ - phụ huynh học sinh Trường THPT Phù Yên (Sơn La) lại bày tỏ lo ngại về việc áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt vì sẽ gây bất cập cho những phụ huynh ở vùng sâu vùng xa.

“Tôi không dùng thẻ ngân hàng. Nếu như buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt, tôi sẽ phải mở tài khoản ngân hàng và sắm thêm điện thoại thông minh. Việc làm quen với các giao diện thanh toán trực tuyến sẽ là một khó khăn đối với tôi.

Hơn nữa, tất cả những điều kiện như thiết bị, đường truyền internet ở vùng sâu vùng xa khó mà đáp ứng được” - chị Thuỷ nói.

Tuyên truyền, giải thích, tạo sự thuận tiện cho phụ huynh

Trước thông tin này, cô Lê Thị Thoa - giáo viên Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) cho biết, điều quan trọng nhất hiện nay là phải có sự bàn bạc, thống nhất để tạo sự linh hoạt, thuận tiện nhất cho cha mẹ học sinh trong việc thanh toán học phí.

“Các cơ sở giáo dục nên triển khai ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin để kết nối, tích hợp dữ liệu với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, cung cấp cho người học các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trên điện thoại di động.

Bên cạnh đó, thanh toán theo hình thức nào, cần có sự bàn bạc, thống nhất giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Tạo điều kiện thuận lợi và tuyên truyền tư vấn để phụ huynh dễ hiểu, dễ biết trong thanh toán học phí không dùng tiền mặt”- cô Thoa nói.

Giáo viên này cũng nhấn mạnh, trong quá trình chuyển đổi cần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đặc biệt lưu ý đến việc làm chủ dữ liệu và bảo mật. Điều này giúp tránh tình trạng phụ huynh bị đánh cắp thông tin hoặc xấu nhất bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ GDĐT đã đề nghị các bộ, ngành chủ quản các cơ sở giáo dục và đào tạo, Sở GDĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo, quán triệt đến tất cả các cơ sở giáo dục đào tạo; thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ GDĐT thực hiện các hướng dẫn; lập báo cáo tình hình thực hiện các quy định trên và kiến nghị các giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và gửi báo cáo về Bộ GDĐT (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) trước ngày 15.7.2022 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn