MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lương thấp, giáo viên kiếm thêm thu nhập từ dạy thêm. Ảnh: Trang Hà

Thu nhập chủ yếu từ dạy thêm, nhiều giáo viên kỳ vọng cải cách tiền lương

Vân Trang LDO | 28/10/2023 07:40

Nhiều thầy cô thừa nhận, với mức lương eo hẹp, nguồn thu nhập của họ chủ yếu đến từ dạy thêm.

Nguồn thu của giáo viên chủ yếu từ dạy thêm

Đa số các trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành đều tổ chức dạy học thêm, học tăng cường vào buổi thứ 2 trong ngày. Mức học phí này dựa trên thoả thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Một phần từ tiền dạy thêm này sẽ trả lương cho giáo viên. Đây là phần thu nhập tăng thêm hằng tháng của thầy cô. Bên cạnh đó, các thầy cô còn tự tổ chức các buổi dạy thêm hoặc dạy thêm ngoài giờ tại các trung tâm.

Một giáo viên bậc THCS ở Hà Nội thừa nhận, nguồn thu chính của giáo viên đến từ việc dạy thêm (gồm cả dạy thêm trên trường vào buổi học thứ 2 và tiền dạy thêm bên ngoài nhà trường, sau giờ lên lớp).

Tại các các thành phố lớn, khu vực nội thành, giá tiền mỗi buổi học thêm sẽ dao động từ 50.000 - 300.000 đồng/buổi tùy thuộc vào số lượng học sinh cũng như danh tiếng của thầy cô.

Hằng tháng, mức lương chính từ việc lên lớp của giáo viên này chỉ hơn 4 triệu, nhưng thu nhập từ việc dạy thêm ngoài giờ cao hơn gấp nhiều lần.

Giáo viên này cũng cho rằng, việc thầy cô phải dạy thêm vô cùng phổ biến bởi “đồng lương giáo viên quá thấp. Nếu chỉ phụ thuộc vào tiền đứng lớp, e khó có thể đảm bảo cuộc sống”.

Với 37 năm gắn bó với ngành giáo dục, thầy Nguyễn Văn Lực, giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà cho rằng, dạy thêm học thêm hiện nay ngày càng áp lực lớn đến học sinh và phụ huynh.

"Các trường vì để tăng thu nhập cho giáo viên nhưng là gánh nặng đối với phụ huynh" - thầy Lực nói.

Kì vọng vào cuộc cải cách tiền lương

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm học 2022 - 2023, toàn quốc có 9.295 giáo viên nghỉ việc. Có nhiều nguyên nhân khiến giáo viên bỏ việc thời gian qua, như áp lực nghề nghiệp, giáo viên cảm thấy không đủ năng lực đáp ứng... Trong đó, Bộ GDĐT nhận định, một trong những nguyên nhân chính là đồng lương còn eo hẹp.

Nhiều năm qua, Bộ GDĐT đã kiên trì với đề xuất thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW: Lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Chính phủ cũng vừa đề xuất với Quốc hội lộ trình cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018 (dự kiến thực hiện từ ngày 1.7.2024).

Nếu chính sách cải cách tiền lương năm 2024 được thông qua, thu nhập của hàng chục triệu người lao động sẽ thay đổi đáng kể, trong đó có thu nhập của giáo viên.

Hàng triệu giáo viên trên cả nước đang đợi chờ tin vui, bởi ai cũng mong sống được bằng lương, yên tâm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn