MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Quang Phúc

Thu phí giữ chỗ tuyển sinh hàng chục triệu: "Ứng xử không nhân văn"

Đặng Chung (thực hiện) LDO | 13/07/2018 08:00
Những khoản “phí ghi danh”, “phí giữ chỗ” lên tới hàng chục triệu - con số lớn đối với phần đông thu nhập của người dân Việt Nam. Về mặt xã hội, đây là một ứng xử không nhân văn.

Về vấn đề này, Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cơ quan giám sát của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục.

Điểm “nóng” của kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay là hình ảnh phụ huynh vất vả đi rút-nộp hồ sơ, chầu chực để đòi lại các loại phí ghi danh, phí giữ chỗ đã đóng cho trường ngoài công lập. Ông nghĩ sao khi chứng kiến những hình ảnh này?

- Tôi buồn và thất vọng. Hiện tượng này phản ánh thực tế về sức ép tìm được một chỗ học ưng ý cho con ở các  đô thị lớn, đặc biệt ở Hà Nội là câu chuyện có thật. Mùa tuyển sinh nào cũng nóng, nhưng đặc biệt năm nay, khi lượng thí sinh tăng đột biến, trong khi chỗ học chưa đáp ứng đủ, đã tạo thêm sức ép lớn với phụ huynh và học sinh.

Phụ huynh vì mong muốn tìm được một chỗ học ưng ý đã nộp hồ sơ ở nhiều nơi, cả trường dân lập và buộc phải chấp nhận các quy định của nhà trường. Trong đó có việc phải đóng các khoản tiền gọi là “phí giữ chỗ”.

Việc này cũng tạo một nghịch lý là các trường dân lập về nguyên tắc phải tìm giải pháp tuyển sinh, lại đặt ra những khoản thu để giữ chân học sinh.

Ông có đồng tình với cách làm này của trường ngoài công lập?

- Theo lập luận của các trường thì đây là một thỏa thuận dân sự và trường đã công khai với phụ huynh. Tuy nhiên về mặt xã hội, đây là một ứng xử không hay, không nhân văn.

Dù ở bất cứ nước nào, đặc biệt là ở nước ta, trường học không phải là môi trường kinh doanh. Trong quan hệ xung quanh nhà trường -  giữa nhà trường với phụ huynh, nhà trường với xã hội, giữa thầy cô với học sinh -  không phải là một quan hệ xã hội bình thường, mà nó yêu cầu cao về tính nhân văn, tính văn hóa.

Quan điểm của tôi, khi các trường đặt ra “phí giữ chỗ” và không trả lại khi học sinh không vào học trong trường, là điều không hay về mặt ứng xử, không chú ý đến lợi ích của học sinh và phụ huynh.

 Mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay khiến cả phụ huynh và học sinh đều căng thẳng. Ảnh: Tô Thế

Các trường dân lập cũng lập luận rằng: Nếu không đưa ra phí giữ chỗ, họ sẽ gặp khó khăn trước tình trạng rút-nộp hồ sơ liên tục của phụ huynh. Quan điểm của họ là đặt ra mức phí giữ chỗ càng cao, phụ huynh vì xót tiền sẽ có trách nhiệm hơn với các quyết định của mình. Ông có đồng tình?

- Đúng là cũng phải thông cảm với  các trường trước sức ép phải tuyển đủ học sinh theo năng lực đào tạo của nhà trường, để đảm bảo hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, khi nhà trường đặt ra một quy định gì thì nên cân nhắc.

Bởi rõ ràng một khoản phí vài triệu đến hàng chục triệu là con số lớn đối với phần đông thu nhập của người dân trong xã hội. Làm giáo dục đòi hỏi sự nhân văn, chứ không chỉ đơn thuần vì đảm bảo quyền lợi của mình mà không coi trọng đến nhu cầu, suy nghĩ, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh.

Trong câu chuyện này, tôi muốn nhận mạnh đến vai trò của cơ quan quản lý. Ngành giáo dục thủ đô cần phải quan tâm hơn đến việc hướng dẫn tuyển sinh như thế nào. Trong đó có cân đối nhu cầu tuyển sinh của các trường công lập, với dân lập đảm bảo quyền học tập của học sinh, cũng như có sự công bằng giữa khối trường công và trường tư. 

Theo ông, cơ quan quản lý về giáo dục thủ đô nên có những thay đổi ra sao, để tránh lặp lại những “điểm nóng” gây bức xúc dư luận trong những mùa tuyển sinh sau?

- Tôi được biết ngày 11.7, Sở GDĐT Hà Nội đã nêu quan điểm chính thức về việc thu “phí ghi danh”, “phí giữ chỗ” của các trường ngoài công lập. Sở cho rằng các trường tự đặt ra các khoản phí này là không đúng với quy định của pháp luật và đã yêu cầu phải trả lại cho phụ huynh. 

Ở đây có hai câu chuyện khác nhau. Thứ nhất là việc đặt ra các loại phí không được quy định trong luật là sai, nhưng cái sai đó không được cơ quan quản lý là Sở GDĐT chấn chỉnh kịp thời.

Thứ hai, bản thân phụ huynh, vì mong muốn có một chỗ học cho con mình nên chấp nhận nộp phí. Trong trường hợp này có cả lỗi của phụ huynh, dù nguyện vọng là chính đáng.

Quay lại vai trò của cơ quan quản lý, tôi nhấn mạnh, nếu cơ quan quản lý phát hiện ra việc các trường tự đặt ra các khoản phí không đúng thì đáng lẽ phải có giải pháp chấm dứt ngay từ đầu. Không để hiện  tượng sai quy định được diễn ra một cách công khai bao lâu, rồi bây giờ đi giải quyết hậu quả. Để xảy ra những lùm xùm không hay trong lĩnh vực giáo dục của thủ đô, có trách nhiệm rất lớn của quan quản lý.

Sở GDĐT Hà Nội cũng cần thấy đây là bài học, để có những hướng dẫn tuyển sinh, giải pháp khoa học hơn cho mùa tuyển sinh những năm tiếp theo.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn