MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Hà Nội trong một tiết học với máy tính. Ảnh: Hải Nguyễn

Thu tiền học online: Cần “cởi mở” hơn với các trường ngoài công lập

HUYÊN NGUYỄN LDO | 18/03/2020 10:09
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đánh giá, công nhận kết quả dạy học qua hình thức học online, học trên truyền hình cũng là lúc câu hỏi có được phép thu tiền học online hay không một lần nữa được lặp lại. Khác với sự phản ứng trước đó, lần này, việc thu tiền dạy online nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ phụ huynh. 

Trong thời gian học sinh nghỉ học kéo dài để phòng chống dịch COVID-19, ngành giáo dục đã tổ chức nhiều hình thức học tập phù hợp với tình hình như học online, học trên truyền hình… cho học sinh, sinh viên cả nước.

Nếu như trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh đây là hình thức giúp học sinh ôn tập bài cũ, không được dạy kiến thức mới thì trong công văn ngày 12.3 về tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống COVID-19, Bộ cho phép các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình.

Theo tinh thần như vậy, nếu muốn công nhận kết quả học online, tức là giáo viên phải dạy cho bài bản, chất lượng, có kiểm tra và đánh giá. Cũng từ sau công văn này, câu hỏi có được phép thu tiền học online hay không một lần nữa được lặp lại.

Theo bà Đào Kim Oanh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Phương pháp giảng dạy từ xa đòi hỏi nhiều công sức hơn như giáo viên phải chuẩn bị một giáo án công phu hơn, trí tuệ và sức lao động của tập thể giáo viên nhiều hơn, ngoài ra còn có những bộ phận hỗ trợ ghi hình, ghi tiếng, chuyển tải lên mạng Internet…

Bên cạnh đó, giáo viên còn phải kiểm tra bài tập của học sinh nhiều hơn để có thể giám sát và đánh giá kết quả của học sinh. Vì vậy, nếu không được phép thu tiền dạy học online sẽ rất khó khăn với các trường ngoài công lập khi vốn dĩ không có nguồn thu nào mà vẫn phải chi rất nhiều khoản như cơ sở vật chất, thuê mặt bằng, lương cán bộ, giáo viên, bà Oanh bày tỏ.

Còn anh Nguyễn Hải - phụ huynh học sinh một trường dân lập trên địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội cho biết anh ủng hộ quan điểm cho phép các trường thu tiền học online, tuy nhiên, cũng phải minh bạch, rõ ràng và không nên thu quá cao.

"Trường con tôi học chỉ thu học phí 2 triệu/tháng, những tháng nghỉ dịch hiện không thu. Vì thế, nếu bảo nhà trường phải dạy online miễn phí, gia đình tôi cũng thấy thiệt thòi cho nhà trường, giáo viên. Bệnh dịch không ai muốn cả nên mỗi người cần san sẻ khó khăn chung với nhau. Mong các trường tính toán mức thu tiền học online hợp lý. Chứ có trường học phí bình thường 5-7 triệu/tháng, thậm chí cả 10 triệu/tháng mà giờ thu y như học trên lớp thì cũng khó cho phụ huynh", anh Hải cho hay.

Trước những băn khoăn liên quan tới việc thu tiền học online, thạc sĩ Lê Thị Loan – nguyên một Phó trưởng khoa thuộc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết: “Trường tư độc lập về mặt tài chính, hoạt động của họ là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường trên cơ sở văn bản pháp luật. Trường tư khác trường công vì trường công vẫn có ngân sách lo còn trường tư thì không. Vậy nếu học sinh không đóng học phí thì lấy gì hoạt động, lấy gì trả lương cho thầy cô? Chúng ta phải có cái nhìn "cởi mở" hơn với khó khăn chung”, bà Loan nói.

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ do phòng dịch bệnh, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa do đó việc này phụ huynh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn