MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành sư phạm có đặc thù riêng nhưng vẫn thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Ảnh: HN

Thừa giáo viên, còn nên chọn ngành sư phạm?

Huyên Nguyễn LDO | 12/07/2017 09:50
“Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu. Ngành Sư phạm đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao và cơ hội việc làm vẫn rộng mở”, TS Phạm Mạnh Hà –  thành viên Ban tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 nhận định.

Cần trình độ và đam mê

TS Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, thành viên Ban tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 - cho biết: Ban tư vấn xét tuyển đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc học ngành sư phạm ra trường có việc làm hay không. Đối với bất cứ quốc gia nào, ngành sư phạm luôn là ngành được đầu tư quan tâm. Tất nhiên, chúng ta nhận thấy rằng trong một vài năm gần đây có dư thừa nhân lực trong ngành sư phạm nhưng chỉ dư thừa nhiều trong bậc THPT, THCS. Riêng ngành mầm non, tiểu học thì vẫn rất thiếu, thậm chí thiếu trầm trọng ở một số địa phương. Vì thế, học sinh nào vẫn yêu thích ngành sư phạm và đam mê với việc chăm sóc và giáo dục trẻ em thì chúng ta vẫn có thể lựa chọn.

Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý, với xu thế hiện tại, ngành sư phạm đòi hỏi rất cao về năng lực và trình độ vì vậy nếu các em chỉ căn cứ vào mức điểm thấp hay các chế độ chính sách ưu tiên để chọn học thì nguy cơ thất nghiệp rất cao.

Ngược lại, nếu các em có năng lực và tâm huyết thì cơ hội việc làm lại rất lớn tại các trường dân lập, trường chất lượng cao, trường quốc tế. Hiện nay, thu nhập giáo viên dạy được bằng tiếng Anh trung bình 10 – 15 triệu đồng/tháng và nhu cầu các trường tuyển dụng liên tục. Vì vậy, kết quả học tập tốt và đam mê thì không có lí do gì  không xin được việc với mức thu nhập cao.

Cũng theo TS Phạm Mạnh Hà, chưa bao giờ cơ hội vào ĐH rộng mở như năm nay. Miễn thí sinh đỗ tốt nghiệp là có cơ hội đỗ ĐH. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bằng mọi giá vào ĐH dù là ngành nghề, trường không yêu thích. Theo nghiên cứu, có 15-20% sinh viên học năm đầu tiên bỏ học để thi lại. Có rất nhiều thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp hoặc làm công việc yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp. Vì thế, các bậc phụ huynh, thí sinh hãy sáng suốt lựa chọn hướng đi thật đúng đắn.

Ngành sư phạm đang có nhiều cơ hội phát triển

Mới đây, phát biểu tại ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định những cơ hội đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và hệ thống các trường sư phạm nói chung trong giai đoạn hiện nay đang rất lớn. Trong đó, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo được coi là cơ hội lớn với các trường sư phạm trong đào tạo giáo viên các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Việc ngành giáo dục đang tiến hành rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm trong cả nước theo hướng lấy một số trường làm trung tâm, các trường còn lại làm vệ tinh để thống nhất trong phương pháp, nội dung đào tạo cũng là cơ hội lớn để các trường thể hiện được năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, quá trình triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận từ nội dung sang tiếp cận năng lực người học cũng đang tạo ra cho các trường sư phạm cơ hội rất lớn để đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo. Với lần đổi mới này sẽ có hàng triệu giáo viên cần được đào tạo lại, nhiệm vụ này được giao chính cho các trường sư phạm.

Tuy nhiên bên cạnh cơ hội, cũng không ít những thách thức đặt ra cho các trường sư phạm, theo Bộ trưởng, các trường sẽ phải giải được bài toán cấn đối giữa truyền thống và đổi mới; bài toán một bên là chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học đòi hỏi rất cao nhưng chi phí tài chính lại rất thấp.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn