MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề tài "Phần mềm luyện thi lớp 9 lên lớp 10" của nhóm học sinh tiểu học tại TP. Vinh đạt giải trong cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc" lần thứ 17. Ảnh: Hải Đăng

Thực hư việc nhóm học sinh tiểu học viết phần mềm luyện thi lớp 9

QUANG ĐẠI LDO | 06/11/2023 18:37

Phần mềm luyện thi lớp 9 lên lớp 10 của những học sinh lớp 4 và lớp 5 tại TP Vinh đạt giải trong cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc" gây xôn xao dư luận.

Chiều 6.11.2023, trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Phúc (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, cách đây 2 năm, 3 em học sinh của trường đạt giải quốc gia trong cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc" lần thứ 17, trong đó, có 2 em lớp 5 và 1 em lớp 4.

Sản phẩm dự thi đạt giải của các em là “Phần mềm luyện thi lớp 9 lên lớp 10”. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Phúc cho biết, các học sinh tham gia cuộc thi không đăng ký qua trường mà đăng ký theo nhóm tự do.

Cũng theo Hiệu trưởng nhà trường, cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc" nhằm động viên các em học sinh có năng khiếu tham gia theo định hướng gia đình và học thêm bên ngoài.

Còn nhà trường chỉ có một giáo viên Tin học nên việc tham gia hướng dẫn các em tham gia cuộc thi quốc gia, cô giáo không làm được.

Khi phóng viên hỏi hiện nay đề tài do học sinh của trường thực hiện đã được triển khai ứng dụng trong thực tế như thế nào, bà Phương Lan cho biết, đề tài nói trên dành cho học sinh lớp 9, nên việc triển khai ứng dụng cụ thể như thế nào, bà không nắm được.

Hiện sự việc nói trên đang nhận nhiều ý kiến trái chiều, một số người cho rằng, sản phẩm này là quá sức đối với học sinh tiểu học.

Ngày 6.11, trao đổi với phóng viên, một chuyên gia Tin học ở Hà Tĩnh cho biết, học sinh tiểu học có thể viết một số phần mềm đơn giản theo hướng dẫn trên mạng hoặc sự hướng dẫn của chuyên gia, còn việc các em viết phần mềm luyện thi lớp 9 lên lớp 10 là rất khó có khả năng thực hiện.

“Để có phần mềm có giao diện tương tác tốt giữa người sử dụng và máy thì học sinh tiểu học chưa có năng lực. Xây dựng phần mềm đòi hỏi phân tích thiết kế hệ thống, giao diện.

Người viết phải có khả năng phân tích để hiểu người sử dụng cần gì và máy sẽ làm gì. Phần mềm luyện thi yêu cầu phải đặt câu hỏi và chuẩn bị đáp án, cả 2 nội dung này học sinh tiểu học, THCS đều không thể làm được”, vị chuyên gia khẳng định.

Từ thực tế công việc, vị chuyên gia cho biết, tại Hà Tĩnh, trong số hàng trăm giáo viên môn Tin học bậc THPT, số người viết được phần mềm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thời gian vừa qua, Báo Lao Động và các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều hiện tượng có dấu hiệu bất thường trong các cuộc thi "Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh" và "Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc", nổi bật là hiện tượng các đề tài quá tầm học sinh, không có khả năng ứng dụng trong thực tế và trùng lặp tên đề tài, ý tưởng. Đã có nhiều bài báo đặt nghi vấn về tác giả thực chất của một số dự án, sản phẩm tham dự 2 cuộc thi nói trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn