MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tỉ lệ mù chữ ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn cao

YẾN PHƯƠNG LDO | 01/03/2023 14:54
Công tác xoá mù chữ được xác định là một trong những công tác quan trọng của ngành giáo dục. Tuy nhiên, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, công tác xoá mù chữ vẫn còn nhiều hạn chế và số người mù chữ vẫn còn chiếm tỉ lệ cao.

Tỉ lệ mù chữ còn cao

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn chung trong cả giai đoạn 2010-2020, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng tỉ lệ biết chữ trong độ tuổi 15-60 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn thấp hơn so với tỉ lệ biết chữ trung bình của cả nước tại cùng thời điểm. Tỉ lệ người mù chữ của cả vùng cao hơn các vùng khác. 

 Kết quả Xoá mù chữ giai đoạn 2010-2020 và 2022 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nguồn: Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo thống kê, số người mù chữ trong độ tuổi 15-60 của khu vực ĐBSCL còn khoảng hơn 441.000 người, chiếm 38,26% số người mù chữ của toàn quốc. Trong đó, Trà Vinh và Cà Mau là 2 tỉnh có tỉ lệ người mù chữ cao.

Đồng thời, tỉ lệ huy động người tham gia học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ của khu vực chỉ đạt 0,46%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ huy động của toàn quốc là 2,34%.

Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, tỉ lệ lao động qua đào tạo có trình độ từ sơ cấp trở lên của khu vực ĐBSCL là 13,6%, thấp hơn 10% so với toàn quốc và thấp nhất so với các khu vực khác. Còn theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỉ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) của vùng thấp nhất cả nước.

Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực khu vực ĐBSCL chưa đáp ứng yêu cầu. Đây là rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Nguyên nhân do đâu?

Ghi nhận thực tế, đặc thù của vùng ĐBSCL là khó có thể lao động tại địa phương, phần lớn những người nằm trong độ tuổi trưởng thành buộc phải đi làm ăn xa tại các tỉnh, thành lớn khác, chỉ có những người già còn ở lại bám víu vào ruộng đồng. Đặc biệt, một bộ phận người dân không chú trọng việc học của con em mình, ý thức về sự học vẫn còn mờ nhạt. Đó là những cái khó trong việc cho trẻ được đến trường.

Trên cương vị là một nhà giáo tại địa phương nghèo của vùng, cô Võ Diệu Thanh (Giáo viên Trường Tiểu học B Chợ Vàm, huyện Phú Tân, An Giang) chia sẻ, cô nhận thấy có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng mù chữ cao ở vùng ĐBSCL.

Trước tiên, cách dạy của các trường học hiện nay không kích thích được sự ham học cho người học trò. Từ lớp 1, lớp 2 đã ép các em học nhiều, làm cho các em gặp chữ là sợ, không muốn đọc, càng lên cao càng ngán học. Tới lúc các em ra ngoài, chữ sẽ quên dần, dẫn đến trường hợp “tái mù chữ”, tức đã được học nhưng không thực hành thường xuyên nên quên hết chữ.

Thứ hai là do các em nhận thấy nhiều người tốt nghiệp đại học ra trường đi làm lương thấp, trong khi nếu nghỉ sớm ra trường sẽ có việc làm liền tại các khu công nghiệp, hoặc buôn bán có thu nhập phụ giúp ba mẹ, không cần tốn thời gian và công sức để học. Do đó, nhiều em học hời hợt rồi bỏ học ngang từ năm lớp 6, lớp 7, dần đi làm không đụng đến chữ nghĩa nên cũng bị “tái mù chữ”.

Riêng tại địa phương của cô Thanh, có tình trạng nhiều ba mẹ đi làm ăn xa ở Bình Dương, Đồng Nai, không có người thân đáng tin cậy để gửi con ở dưới quê, nên dù con đang học tiểu học nhưng cũng buộc phải nghỉ học ngang để theo ba mẹ đi làm. Hơn nữa, việc xin vào học tại các trường ở thành phố lớn nơi các phụ huynh làm việc gặp nhiều khó khăn và tốn kém, vậy nên hầu hết họ đều không lo nổi và quyết định cho con nghỉ học luôn, thời gian lâu dài các em bị mù chữ.

Theo cô Thanh, điều kiện kinh tế tại địa phương còn nghèo nên nhà trường không thể hỗ trợ lo an sinh cho học sinh được, vậy nên việc phụ huynh đưa con theo đi làm xa và quyết định bỏ học là nhà trường không thể can thiệp.

“Chỉ hy vọng tại các khu công nghiệp ở thành phố lớn, nhà nước chú trọng tạo điều kiện cho giới công nhân đưa trẻ đến trường, cho các em được học tập ở gần khu vực ba mẹ làm việc, bởi mỗi lần đổi chỗ ở là thủ tục đổi trường học cho con rất khó khăn, nhiều phụ huynh không kiên trì là sẽ nản và cho con nghỉ học luôn”, cô Thanh bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn