MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường học tại Hà Nội đã chủ động ứng dụng công nghệ mới để xây dựng mô hình trường học trực tuyến. Ảnh: Tường Vân

Tích cực xây dựng mô hình trường học trực tuyến, sẵn sàng đón năm học mới

Vân Trang LDO | 03/09/2021 13:59

Nhằm thiết lập nền tảng quản lý, dạy học đồng bộ và hiệu quả, nhiều trường học tại Hà Nội đã chủ động ứng dụng công nghệ mới để xây dựng mô hình trường học trực tuyến. Qua đó, nỗ lực thực hiện "nhiệm vụ kép" là ổn định chất lượng giảng dạy và đảm bảo an toàn, phòng chống dịch COVID-19.

This browser does not support the video element.

Trường học tại Hà Nội tích cực đổi xây dựng mô hình trường học trực tuyến cho năm học mới. Video: Tường Vân - Thiều Trang.

Năm học 2021-2022 được đánh giá là năm học đầy thách thức do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nhanh chóng đổi mới, ứng dụng nhiều công nghệ để cải thiện chất lượng giảng dạy trực tuyến, thúc đẩy số hóa trong giáo dục.

Với tinh thần sẵn sàng chinh phục thử thách, Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) đã xây dựng xong hệ thống trường học trực tuyến trên nền tảng Google Classroom và tổ chức hoạt động cho toàn bộ cán bộ, giáo viên của nhà trường. 

"Các thầy cô đã cố gắng trau dồi các kỹ năng cần thiết để tổ chức dạy và học. Theo đó, nhà trường đã giao giáo viên chủ nhiệm tổ chức hướng dẫn học sinh và phụ huynh học sinh lập tài khoản gmail cùng những điều kiện cần thiết khác, đảm bảo ngay sau ngày khai giảng, cô trò có thể thực hiện dạy và học trên nền tảng Google Classroom" - thầy Nguyễn Quốc Dương - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Trước đổi mới này, cô Mai Thị Ánh Nguyệt - giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ - thừa nhận, việc sử dụng ứng dụng Google Classroom trong dạy học sẽ phức tạp hơn. Nhưng so với các ứng dụng dạy học trực tuyến khác, ứng dụng này hỗ trợ giáo viên, học sinh dạy và học rất thuận lợi. 

"Môi trường Google Classroom như một trường học ảo, có lớp học, phòng ban. Theo đó, nhà trường có thể thống nhất quản lý các hoạt động dạy và học, học sinh có lớp riêng, thời khóa biểu riêng, không còn tình trạng vào nhầm lớp" - cô Ánh Nguyệt chia sẻ.

Về vấn đề dạy và học trực tuyến, trao đổi với Lao Động, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông  tin, Bộ GDĐT - cho rằng, khi dịch COVID-19 xảy ra, ngành giáo dục Việt Nam chưa sẵn sàng cho việc học trực tuyến, gây ra sự bỡ ngỡ đối với cả hệ thống, đặc biệt với giáo viên và phụ huynh.

"Qua 1 năm trải nghiệm, toàn ngành giáo dục, đặc biệt là khâu quản lý đã được tăng cấp, tăng cường và trưởng thành từ ý thức, công nghệ cho đến nội dung.

Về mặt quản lý, Bộ GDĐT cũng đã công nhận kết quả dạy học trực tuyến. Còn về mặt công nghệ, trên thế giới, các hãng công nghệ chợt nhận ra rằng, có 1 môi trường đang rất cần để đầu tư công nghệ. Và từ đó, đầu tư xây dựng các nền tảng công nghệ khác nhau như Microsoft Teams, Google Meet, Google Classroom, Zoom,....

Tôi cũng phải nói rằng rất mừng vì giáo viên thích nghi rất nhanh. Sau 1 năm xoay xở, giáo viên đã bắt đầu đi tìm, chọn lọc với những nền tảng phù hợp để ứng dụng trong dạy học trực tuyến" - TS Ngọc nói.

Bên cạnh đó, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin nêu quan điểm, dạy học hay họp trực tuyến không phải giải pháp tình thế mà là xu hướng của thời đại. Dịch COVID-19 chỉ như 1 chất xúc tác để tăng tốc, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

"Tôi khuyến cáo mọi người hãy tận dụng những cơ sở hạ tầng mà thế giới hiện nay đang dùng. Hãy cứ làm đi, lúc đầu có thể trục trặc nhưng qua đó có thể thành thạo và trưởng thành" - TS Quách Tuấn Ngọc nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn