MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Huyên Nguyễn

Tiến sĩ Đại học Sư phạm gây bất ngờ với bài tham luận do ChatGPT viết

HUYÊN NGUYỄN LDO | 10/03/2023 11:55

Bài tham luận được TS Bùi Hồng Quân trình bày tại Toạ đàm “AI, ChatGPT đối với việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên hiện nay” do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức sáng 10.3 được chấp bút bởi ChatGPT và ông Quân cho rằng thông tin của công cụ này chiếm 60%.

Tận dụng AI, ChatGPT trong giảng dạy

Tham luận mở đầu hội thảo, TS Bùi Hồng Quân - Khoa Tâm Lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM nêu ra vấn đề: “AI, ChatGPT và tác động đến dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018".

Theo TS Quân, có thể thấy rõ, AI và ChatGPT giúp cho việc dạy và học trở nên nhanh hơn, tiện dụng hơn, tiết kiệm thời gian, công sức của giáo viên cũng như của học sinh. Điều này được hiểu dưới góc độ chúng ta sẽ có nhiều thông tin, sự hỗ trợ đến từ trí tuệ nhân tạo, được thực hiện ở ngoài phạm vi lớp học và ở bất kỳ không gian nào.

Với giáo viên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp giảm thời gian và cung cấp cho giáo viên thêm ngữ liệu dạy học đa dạng và phong phú. Việc tương tác với học sinh sẽ trở nên nhanh và hiệu quả hơn.

Nhiều ý kiến bàn luận xoay quanh vấn đề ChatGPT trong giáo dục. Ảnh: Huyên Nguyễn 

Cùng với tích cực, điều này cũng tạo ra những thách thức trước những lo lắng về ChatGPT có thay thế được vai trò của người thầy hay không, học sinh có bị thui chột đi tính sáng tạo, sự chủ động hay không.

Ông Quân cho biết nhiều giáo viên băn khoăn trước tình trạng học sinh đối phó để giải bài tập, làm sao để giáo viên có thể đánh giá được bài làm đó là trí tuệ thật sự, là tâm huyết của học sinh hay chỉ là dựa trên nền tảng công nghệ.

“Những câu hỏi bình thường phải vắt óc để suy nghĩ thì bây giờ không cần, rất nhanh Chat GPT sẽ có câu trả lời. Việc của các bạn học sinh là đồng ý với câu trả lời đó hay không. Vấn đề đặt ra đó là khi học sinh sử dụng quá nhiều vào AI và lệ thuộc vào ChatGPT thì những kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng tương tác, kỹ năng thiết lập và duy trì mối quan hệ xã hội sẽ kém dần. Chưa kể đến những yếu tố về đạo đức” – ông Quân nêu.

Đồng thời, thông tin được cung cấp có sẵn nhưng tính xác thực và nhân văn thì AI và Chat GPT không chịu trách nhiệm. Nếu như các bạn học sinh nhìn một chiều thì rất dễ dẫn đến cái nhìn thiên lệch và không thực tế.

Trở lại với lại với 5 phẩm chất và 10 năng lực mà Bộ GDĐT công bố trong Chương trình GDPT 2018, ông Quân cho rằng AI, ChatGPT sẽ tác động tới phẩm chất: trung thực và trách nhiệm của học sinh.

Ông phân tích chi tiết, nếu chúng ta giáo dục cho học sinh thấy rõ các bạn hãy là người trung thực khi thực hiện các hoạt động học tập hay sẽ lợi dụng vào AI và ChatGPT để hoàn thành bài của mình. Điều này sẽ phụ thuộc vào quá trình định hướng và giáo dục của các thầy cô.

Còn về trách nhiệm, nếu học sinh ỷ lại thì chỉ cần đề bài tập lên ChatGPT là xong, nhưng nếu có trách nhiệm thì sẽ coi đó là công cụ, là phương tiện để phục vụ cho hoạt động học tập. Cùng với hai phẩm chất thì những năng lực trực tiếp sẽ giúp học sinh phát triển được gồm: Công nghệ, tự chủ, giải quyết vấn đề, tin học, tìm hiểu tự nhiên và xã hội.

TS Bùi Hồng Quân cũng tiết lộ nội dung tham luận được các thầy cô “đặt hàng” để ChatGPT viết sau đó nhóm nghiên cứu sắp xếp, bổ sung, biên tập, cấu trúc lại dữ liệu, trong đó, dữ liệu của ChatGPT chiếm 60%.

Cần làm chủ công nghệ trong giáo dục

Tại toạ đàm, nhiều ý kiến nhấn mạnh ChatGPT không thể thay thế được người thầy, ChatGPT không tạo ra cảm xúc nhưng TS Nguyễn Thị Xuân Yến – Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng đưa ra cảnh báo ChatGPT có thể thay thế giáo viên nếu người thầy không chịu thay đổi.

Bà Tâm Minh – Trường Đại học Sài Gòn nhấn mạnh chúng ta không phải ngăn chặn mà sử dụng ChatGPT như một ứng dụng vào trong giảng dạy. ChatGPT khiến cho người học phải chạy, người dạy phải chạy để cùng phát triển.

Các đại biểu phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Huyên Nguyễn

GS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM nhắn gửi tới sinh viên, các em sẽ chính là những người chủ thực sự của những sản phẩm, nền tảng có liên quan tới trí tuệ nhân tạo.

“Nếu các bạn đối diện một cách khoa học, tinh thần tích cực và có kỹ năng để làm chủ thì chắc chắn các bạn trở thành những người chủ thực sự và người chủ thực sự thông minh. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo với một nền giáo dục thông minh, với những công cụ thông minh mà chúng ta đã tạo ra để khống chế khi cần thiết, khai thác phù hợp và sử dụng một cách có đạo đức. Đây cũng là điều mà những người làm công tác đào tạo phải quan tâm và thực thi một cách tích cực”, ông Sơn nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn