MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ dùng bằng giả đứng trên bục giảng sẽ gây ra nhiều hệ lụy

Tường Vân - Trà My thực hiện LDO | 01/12/2023 19:23

Vụ việc một người từng là giảng viên, thậm chí giữ chức trưởng, phó khoa ở các trường đại học, cao đẳng – bị phát hiện sử dụng bằng tiến sĩ giả đang gây xôn xao dư luận. Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT, xoay quanh câu chuyện này.

Việc dùng bằng giả để vào giảng dạy ở cơ sở giáo dục khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu các trường đại học có đang dễ dãi trong công tác tuyển dụng nhân sự, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trên thực tế, ở nhiều trường đại học, cán bộ tuyển dụng thường được "phiên ngang" từ cán bộ chuyên môn sang làm công tác nhân sự hoặc ngay lãnh đạo trường có thể còn thiếu một trong số các kỹ năng tuyển dụng và quản lý đội ngũ nhân lực một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số trường tồn tại thói quen quá trọng bằng cấp khi thấy ứng viên có bằng tiến sĩ và được cấp bằng ở các địa chỉ có danh tiếng là quên mất việc phải rà soát hồ sơ về: Thành tích học thuật, phỏng vấn, thử giảng dạy, các kỹ năng mềm khác…

Việc tuyển dụng nhân sự sử dụng bằng giả cũng có thể nằm ở lỗi của lãnh đạo trường khi chủ quan, không phỏng vấn trực tiếp ứng viên. Đồng thời, việc giám sát của lãnh đạo các khâu tuyển dụng chưa chặt chẽ. Điều này cho thấy lãnh đạo trường và cán bộ liên quan đến tuyển dụng nhân sự cần nghiêm túc thực hiện tốt việc quản lý nguồn nhân lực để làm việc chuyên nghiệp hơn.

Về lâu dài, nếu tình trạng mua bán bằng giả không được kiểm soát sẽ xảy ra hệ luỵ gì cho cả người học và xã hội, thưa ông?

- Dùng bằng giả sẽ làm suy yếu uy tín và tính liêm chính của nhà trường. Sự xói mòn lòng tin này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với danh tiếng của trường đại học và toàn bộ hệ thống giáo dục.

Các trường đại học đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc tuyển dụng và hỗ trợ giảng viên. Nếu có sai sót trong tuyển dụng phải những cá nhân có thông tin xác thực, thì gây ra sự lãng phí thất thoát nguồn lực đầu tư cho đội ngũ và lẽ ra có thể được sử dụng hiệu quả hơn.

Chưa kể, các giảng viên giả về trình độ có thể không có kỹ năng hoặc kiến thức cần thiết để tiến hành giảng dạy và nghiên cứu, ảnh hưởng đến sứ mệnh của nhà trường và cung cấp dịch vụ kém chất lượng.

Sản phẩm của giáo dục không phải là bằng cấp người học mà sản phẩm là người học được giáo dục để có năng lực tương xứng với trình độ và có giá trị gia tăng.

Những giáo sư hay tiến sĩ không xứng đáng với trình độ học vấn (học vấn giả) đứng trên bục giảng sẽ tạo ra những sản phẩm ít giá trị hoặc không giá trị, không tương xứng với "đồng tiền bát gạo" người học bỏ ra.

Hệ quả chất lượng của người học giảm sút, tạo ra tác động không tốt đến khía cạnh đời sống xã hội khi sử dụng những cử nhân kém chất lượng. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng chính uy tín của nhà trường và xã hội nhìn vào ngành giáo dục với những hoài nghi về chất lượng thực. Muốn có việc dạy thật, học thật, đánh giá thật thì trước hết người thầy phải có giá trị thật và mang giá trị này đến người học một cách hiệu quả.

Vậy đâu là giải pháp ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?

- Đầu tiên, phía các cơ sở giáo dục đại học cần nâng cao trách nhiệm trước xã hội không để lọt lưới những giảng viên có trình độ giả được tuyển dụng. Như vậy cần kiểm soát hồ sơ; rà soát kỹ từng chi tiết về văn bằng, quá trình giáo dục của ứng viên, lý lịch cá nhân và những thành tích, công trình (nếu có), đọc kỹ các công trình nghiên cứu, sáng kiến kèm theo, liên hệ với cơ sở đào tạo để tìm hiểu nguồn gốc học hành của ứng viên.

Nếu cẩn thận hơn, có thể tìm hiểu về ứng viên qua nơi ứng viên khai học ở đó để biết không chỉ xác định văn bằng trình độ, học vấn mà còn rất nhiều vấn đề khác nữa như những hạn chế và ưu điểm của ứng viên, đạo đức và tác phong...

Về phía các cơ quan quản lí cần kiểm soát chặt chẽ, tạo nền tảng IT đến ứng dụng công nghệ trong việc hỗ trợ các trường kiểm soát văn bằng của hệ thống. Thái độ người được phân công tuyển dụng cần có sự công bằng, liêm chính, khách quan khi tuyển dụng nhân sự mới và luôn ý thức học hỏi nâng cao kỹ năng quản lý nguồn nhân lực của nhà trường.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn