MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện Nhà nước có nhiều chính sách để thu hút nhân tài, trong đó có việc đầu tư học bổng để đưa người có năng lực đi du học. Ảnh minh họa: T.L

Tiền tỉ đầu tư cho người tài đi du học nhưng không về

Đặng Chung LDO | 14/12/2019 08:00

Đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm, với mục tiêu thu hút người tài vào làm việc trong cơ quan hành chính. Tuy nhiên có một thực tế, không ít người tài “một đi không trở lại”, dù đã nhận hàng tỉ đồng từ ngân sách để đi du học. "Cực chẳng đã” chính quyền đã phải đi kiện, để yêu cầu người tài trả lại tiền.

Khi người tài “lật kèo”

4 con cán bộ đi du học theo đề án thu hút nhân tài nhưng không trở về địa phương làm việc như cam kết, chính quyền phải ra quyết định yêu cầu trả lại hết số tiền để đền bù chi phí đào tạo. Đây là câu chuyện đang diễn ra ở Quảng Ngãi, nhận được sự quan tâm của dư luận những ngày qua.  Và Quảng Ngãi không phải là địa phương duy nhất xảy ra sự việc này.

Trước đó, tại Đà Nẵng từng xảy ra chuyện chính quyền phải kiện đòi bồi thường hàng chục tỉ đồng và đối tượng bị kiện là “người tài”. Để thu hút và giữ chân người có năng lực làm việc trong các cơ quan hành chính, TP.Đà Nẵng đã chi ngân sách hàng chục tỉ đồng để cử các học viên đi học nước ngoài. Thế nhưng, nhân tài một đi không trở lại, đầu tư tiền tỉ mà người không về, chính quyền đành phải kiện.

Ở Cần Thơ, Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác cũng từng xảy ra trường hợp tương tự.

Dẫn ra để thấy, tình trạng học viên, nghiên cứu sinh, cán bộ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đã ở lại nước sở tại làm việc, hoặc trở về nhưng không làm việc tại cơ quan cũ như cam kết diễn ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương.

Hiện nay, ngoài các đề án đầu tư, cấp học bổng của Chính phủ, thì mỗi địa phương lại có chính sách riêng để thu hút nhân tài. Đơn cử hầu hết các địa phương đều xây dựng chính sách cấp kinh phí để cử người đi du học, nâng cao trình độ, với những cam kết phải trở về quê hương làm việc. Tuy nhiên, tình trạng “người đi không trở lại” vẫn diễn ra.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), khi xảy ra việc người tài đi du học bằng tiền ngân sách nhưng không trở về, thì việc yêu cầu phải bồi hoàn kinh phí đào tạo là đương nhiên. Ngoài ra, qua sự việc cũng cho thấy những kẽ hở trong việc cấp học bổng, trong đó có chưa quy rõ trách nhiệm của bộ phận lựa chọn, cử người đi học và bộ phận phụ trách giám sát, quản lý đối tượng được cử đi học tập ở nước ngoài.

“Khi chấp nhận đi học bằng tiền ngân sách thì nhất khoát người đó phải có trách nhiệm, vì đây là tiền thuế của dân và việc thực hiện theo đúng như cam kết là đương nhiên. Các đề án cấp kinh phí đào tạo, học bổng đều có những điều khoản rất nghiêm ngặt, đòi hỏi người thụ hưởng chính sách phải thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan. Nhà nước đầu tư tiền thì anh phải về nước để cống hiến, biện pháp tối thiểu khi không thực hiện đúng là phải bồi thường, trả lại tiền”- TS Khuyến cho biết.

Ông cũng cho rằng, qua câu chuyện chính quyền kiện người tài để đòi tiền cũng cần rút ra bài học. Đặc biệt ở khâu chọn người. Chúng ta hô hào chọn người tài đi học, nhưng hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể thế nào là người tài. Vì thiếu tiêu chí sẽ dẫn đến việc lợi dụng chính sách để “trục lợi”.

Tiền tỉ đầu tư, người tài vẫn chưa mặn mà

Những năm vừa qua, Nhà nước có nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Đơn cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) được Chính phủ giao thực hiện một số đề án như Đề án 911 (đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020), Đề án 599 (Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020).

Riêng đề án 911, ngân sách cấp kinh phí 14.000 tỉ đồng để đào tạo 20.000 tiến sĩ, trong đó có khoảng 10.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài. Song thực tế, đề án mới cử 2.375 người đi học tiến sĩ; số đã tốt nghiệp về nước  là 1.031 người, số còn lại chủ yếu đang học nước ngoài.

Với đề án này, theo thông tin của Bộ GDĐT, hiện có 3 trường hợp học xong nhưng xin thôi việc khi chưa làm việc đủ thời gian theo quy định và đã bồi hoàn lại toàn bộ kinh phí cho nhà nước. Đặc biệt, hiện cả hai đề án 911 và 599 đều đã dừng tuyển sinh.

Vì sao được đầu tư tiền tỉ để du học, người tài vẫn không mặn mà? Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) dẫn thực tế, nhiều bạn của ông tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài và khi về nước đã không sống nổi với đồng lương nhân theo hệ số, môi trường làm việc không có điều kiện phát huy khả năng, nên nhiều người phải đi làm thêm bên ngoài hoặc tìm cơ hội mới quay lại Úc.

Vì điều này, những người giỏi, hoặc người có năng lực thực sự thường tự mình tìm kiếm các gói học bổng của nước ngoài để đi du học, thay vì đi theo các dự án đầu tư của Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn