MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT).

Tiến tới sẽ cho toàn bộ trường đại học tự chủ về tài chính, nhân sự

Đặng Chung (ghi) LDO | 12/12/2018 06:31
Ngày 11.12, Văn phòng Chủ tịch Nước đã công bố Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH). Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) - đã có trao đổi với Lao Động về một số nội dung đáng chú ý của Luật trước khi có hiệu lực vào năm 2019.

Hội đồng trường có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng

Bà có thể cho biết Luật GDĐH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có những thay đổi gì so với Luật GDĐH hiện hành ?

Luật GDĐH vừa được Quốc hội thông qua có 4 nhóm chính sách mới. Chính sách lớn nhất, bao trùm lên toàn bộ các vấn đề được sửa đổi bổ sung là mở rộng tự chủ và nâng cao tự chủ của toàn hệ thống. Cùng với nâng cao tự chủ là những chính sách đi kèm theo là đổi mới quản trị ĐH, kiện toàn hội đồng trường.

Trong đó, hội đồng trường phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường ĐH, có toàn quyền quyết định về nhân sự chủ chốt (hiệu trưởng), chiến lược phát triển của nhà trường cũng như các chủ trương đầu tư lớn.

Luật lần này cũng chú trọng phát triển hệ thống, đặc biệt là khuyến khích các trường lớn có tiềm lực sáp nhập thành những đại học lớn, hoặc 1 số trường trong cùng 1 nhóm ngành, địa phương kết nối với nhau thành những đại học lớn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

Với cơ chế đó, các trường cũng có thể hỗ trợ cộng lực nhau trong phát triển nâng cao tính cạnh tranh của ĐH Việt Nam với thế giới.

Dự thảo cũng chú trọng phát triển hệ thống đại học tư thục và các ĐH tư thục được phát triển bình đẳng gần như là toàn bộ với các trường công lập.

Khi Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực, sẽ tác động ra sao đến lộ trình tự chủ của các trường đại học, thưa bà?

Khi luật có hiệu lực, cơ chế tự chủ sẽ mở rộng cho toàn hệ thống trường đại học. Các trường sẽ có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động: Học thuật, tài chính, nhân sự làm sao cho hiệu quả nhất, để phục vụ cho chính sách phát triển chất lượng của nhà trường, cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế...

Tăng quyền tự chủ - tăng trách nhiệm

Luật GDĐH mới sẽ cho phép các trường ĐH được mở ngành ở tất cả các trình độ. Bộ GDĐT sẽ kiểm soát việc này như thế nào?

Nói là các trường được tự chủ mở ngành, có nghĩa là các trường được tự quyết định việc mở ngành mà không phải xin phép hay đăng ký cơ quan quản lý về chuyên môn như trước đây. Còn các điều kiện mở ngành, tiêu chuẩn chất lượng để mở ngành thì Luật vẫn phải giữ, thậm chí còn phải quy định chặt chẽ hơn.

Những tiêu chuẩn mở ngành như căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường, nội lực của nhà trường (hệ thống giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo). Rồi căn cứ vào sự chấp nhận của xã hội cho ngành đó đối với sản phẩm của nhà trường.

Trước đây, cơ quan thẩm quyền kiểm duyệt, nay cơ quan thẩm quyền không cấp phép nữa, nhưng các trường phải chứng minh nội lực của mình. Ví dụ, trường phải được kiểm định rồi thì mới được mở các ngành của trình độ đại học. Ngành đào tạo của trình độ đại học phải được kiểm định rồi thì mới được mở các ngành đào tạo thạc sĩ tương ứng...

Ngoài ra, việc mở ngành còn phải do hội đồng trường quyết định. Những người này sẽ xem xét việc xã hội có cần ngành học đó hay không, điều kiện đảm bảo chất lượng của trường có đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành học đó hay không. Điều đó có nghĩa rằng, nhà trường phải cân nhắc tới năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu đào tạo hay không, tránh việc mở ngành tràn lan, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

- Cảm ơn bà đã chia sẻ!

Bộ GDĐT, các trường đại học đã sẵn sàng cho triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Tới khi Luật chính thức có hiệu lực vào ngày 1.7.2019, thì các văn bản dưới Luật đi kèm của Bộ, các Điều lệ quy định của nhà trường cũng sẽ sẵn sàng để triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn