MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiếng Anh được đánh giá là ngoại ngữ quan trọng trong quá trình hội nhập.

Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2: Liệu có khả thi?

Nguyễn Hà LDO | 04/12/2018 14:10

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam dù khả thi nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn và cần phải có lộ trình cụ thể. 

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” diễn ra ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất này tuy nhiên cho rằng để thành công phải có lộ trình cụ thể.

Khả thi dù còn nhiều khó khăn

Đồng tình với quan điểm đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 và cho rằng khả thi khi thực hiện điều này, PGS.TS Nguyễn Thám (Giảng viên cao cấp Đại học Sư phạm Huế) liên hệ với đất nước Singapore, khi Lý Quang Diệu đưa Tiếng Anh về đất nước này cũng gặp trở ngại nhưng cuối cùng đã thành công. Nhất là trong quá thời kì hội nhập như hiện nay thì Tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Theo ông Thám, khi thực hiện điều này tất nhiên sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là khâu chuẩn bị cho quá trình giảng dạy. Mặc dù hiện nay từ lớp 3 học sinh đã được học Tiếng Anh nhưng việc dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự ổn. Đúng ra phải học để sử dụng nhưng học sinh Việt Nam nhiều người vẫn chỉ có tâm lý học để thi do đó hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, việc học Tiếng Anh đối với các thành phố lớn và phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có thể dễ dàng hơn nhưng ở những địa phương khó khăn thì việc học tập cũng sẽ gặp nhiều cản trở.

Cần lộ trình cụ thể thì đề xuất đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai mới khả thi. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

“Chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhưng dần dần chúng ta sẽ làm được, có thể thực hiện lộ trình ở nơi này trước nơi kia sau” – ông Thám nói.

Theo ông Thám, Việt Nam trong thời kì hội nhập như hiện nay cũng nên đưa Tiếng Anh vào tuy nhiên cần có lộ trình và những bước chuẩn bị cụ thể thì mới có thể thành công.

Giáo viên môn khác cũng phải biết Tiếng Anh

Nói về đề xuất này, GS. TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để có tư duy toàn cầu khi sống trong môi trường toàn cầu thì Tiếng Anh là một trong những điều kiện phải có. Tuy nhiên theo GS.TS Phạm Tất Dong, không nên nói Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai mà chỉ nên nói là ngoại ngữ nên ưu tiên chiếm tỉ trọng lớn trong chương trình đào tạo phổ thông cũng như đại học.

Thêm vào đó, ông Dong cho biết đã đưa ra mục tiêu thì phải thực hiện và đã quyết tâm thực hiện phải thay đổi việc học ngoại ngữ, xem hiện nay rào cản của việc học ngoại ngữ là gì, đó là những rào cản về giáo viên, phương tiện, rào cản về cách tổ chức, phương pháp… hay rào cản gì khác cũng nên đưa ra để tháo gỡ.

“Trước tiên chúng ta phải có đủ giáo viên để đảm bảo học sinh được học đúng số giờ và có đủ giáo viên trình độ để dạy. Thứ hai là các giáo viên môn khác cũng phải biết Tiếng Anh, điều này sẽ giúp ích cho giáo viên Tiếng Anh rất nhiều. Chẳng hạn khi dạy Vật lý về các định luật, quy luật, quá trình… nếu giáo viên vừa dạy Tiếng Việt vừa đưa thêm những từ Tiếng Anh vào thì tự nhiên học sinh sẽ học thêm được những từ mới Tiếng Anh, ngoài những tiết Tiếng Anh chính thức. Phải nhúng vào môi trường Tiếng Anh thì học sinh mới học được nhanh, hiểu được nhanh” – GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Ông Dong cũng cho rằng, để việc này thành công thì đó cũng là cả quá trình dài. Nếu định hình thành mục tiêu chiến lược thì phải dám đầu tư vào nó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn