MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiết lộ điểm mới của môn học lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 6

Bích Hà - Thiều Trang LDO | 13/03/2021 07:00

Chương trình hiện hành ở cấp THCS có 3 môn học là Vật lý, Hóa học, Sinh học, nhưng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, 3 môn học này sẽ tích hợp trong 1 môn Khoa học tự nhiên. Đây là môn học lần đầu xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông.

Môn học tích hợp đầu tiên ở cấp THCS

Theo PGS-TS Mai Sỹ Tuấn- Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018, Tổng Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 - Bộ Cánh Diều, ở Việt Nam, đây là môn học đầu tiên tích hợp. Vì vậy, việc viết sách theo hướng tích hợp trong điều kiện dạy riêng lẻ từng môn và giúp giáo viên có thể yên tâm giảng dạy là một thách thức rất lớn.

Theo đó, nhóm tác giả đã đưa ra phương châm rõ ràng là SGK mới kế thừa được điểm hay, điểm ưu việt của SGK hiện hành, nhưng phải tinh giản, đạt được yêu cầu hiện đại và phải thiết thực và phải gắn liền với cuộc sống.

"Ví dụ một bài học truyền tải được cả kiến thức Hóa học và Sinh học nhưng lại xa với cuộc sống thì nhận thức của các em rất khó. Vì vậy, chúng ta vẫn dạy kiến thức mà thế giới đang dạy nhưng kiến thức đó phải được lồng vào những hiện tượng của Việt Nam, lồng vào cuộc sống của học sinh để các em dễ học" - PGS-TS Mai Sỹ Tuấn nêu quan điểm.

Tổng Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 cũng cho biết, dạy học tích hợp rất quan trọng trong xã hội hiện đại, chỉ có dạy học tích hợp thì mới hình thành phát triển năng lực. Đối với môn học tự nhiên, để tìm ra nước nào không dạy tích hợp là rất khó, kể cả những nước Lào và Campuchia cũng đã dạy tích hợp.

"Dạy và học tích hợp không phải hỗn độn môn này với môn kia mà vẫn phải dạy đúng như thế, nghĩa là kiến thức hoá học vẫn phải là hoá học, sinh học vẫn phải là sinh học, không biến dạng đi đâu cả, chẳng qua là chúng ta tích hợp các kiến thức, liên kết tạo thành mạch kiến thức với nhau" - PGS-TS Mai Sỹ Tuấn giải thích.

PGS-TS Mai Sỹ Tuấn – Chủ biên CT Giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018. Ảnh: Tô Thế

Chương trình mới bố trí theo các mạch nội dung

Trước những băn khoăn của thầy cô về việc dạy tích hợp như thế nào, hình thức quản lý nhà trường, hoạt động chuyên môn của giáo viên ra sao khi xuất hiện môn học mới, PGS-TS Mai Sỹ Tuấn cho rằng, yêu cầu mới là một thách thức rất lớn. Vì vậy, nhóm tác giả đã bàn luận về cách tích hợp ưu việt, phù hợp với giáo viên và học sinh Việt Nam.

Theo đó, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 - Bộ Cánh Diều khẳng định, thứ nhất, mặc dù là dạy môn tích hợp nhưng số lượng công việc của các thầy cô không thay đổi. Nghĩa là tổng số giờ dạy Sinh học, Hóa học, Vật lý ở phổ thông hiện nay là bao nhiêu giờ thì với môn tích hợp Khoa học tự nhiên của lớp 6, 7, 8, 9 là bấy nhiêu giờ. Vì vậy, thầy cô hãy yên tâm về công việc.

Thứ hai là cách bố trí nội dung mà nhóm tác giả đã tiến hành. Chương trình mới được bố trí theo các mạch nội dung.

Ví dụ nội dung về "chất và sự biến đổi của chất" không thuần túy hóa học, nhưng các cô dạy hóa sẽ cảm thấy thuận lợi. Về nội dung “vật sống” cũng không thuần túy là sinh học, nhưng giáo viên đang dạy sinh học sẽ thấy thuận lợi nhất. Và tương tự như vậy, giáo viên Vật lý khi dạy mạch "Trái đất và bầu trời", "Năng lượng và sự biến đổi" là thuận lợi nhất.

Thứ ba, khi thực hiện chương trình mới, bộ sách mới, những giáo viên nào chưa được bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo thì sẽ được đào tạo, bồi dưỡng.

"Tuy nhiên, chương tình mới, sách mới đòi hỏi thầy cô phải cố lên một chút, phải đổi mới để đáp ứng với sách mới. Còn mới thế nào thì phải đi cụ thể từng vấn đề. Trong tất cả các bước của quá trình dạy học, các thầy cô sẽ vận dụng kiến thức thực tiễn, mang thực tiễn vào bài học" - PGS-TS Mai Sỹ Tuấn nhấn mạnh.

Đổi mới kiểm tra đánh giá qua dạy học tích hợp

Tổng Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 - Bộ Cánh Diều cho biết, chương trình GDPT 2018, SGK mới sẽ chú trọng đánh giá năng lực của học sinh, điều này được tích luỹ qua cả quá trình học tập dài, có kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức của các em hơn là việc phải học thuộc, phải học ghi nhớ. SGK mới khác với sách hiện hành là phải khơi nguồn sáng tạo.

Vì vậy, nhóm tác giả đã xác định “nhiệm vụ kép” là phải hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy tích hợp cùng với đó là giúp thầy cô đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng phải phù hợp với năng lực học sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn