MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giờ lên lớp của cô trò trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội). Ảnh: hải nguyễn

Tiêu chuẩn chức danh giáo viên phổ thông hạng I: Quá tầm và thiếu thực tế

QUANG ĐẠI (ghi) LDO | 08/03/2021 09:11
Trong quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I cấp THCS và THPT, Bộ GDĐT nêu ra nhiều tiêu chí khó, “quá tầm”, không phù hợp với năng lực, điều kiện giáo viên.

Thông tư 04/2021 của Bộ GDĐT “Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THPT công lập” quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên (GV) hạng I phải có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp GV THPT hạng I.

Về nhiệm vụ của GV THPT hạng I, Thông tư 04 quy định: “Ngoài những nhiệm vụ của GV hạng II, GV THPT hạng I phải thực hiện các nhiệm vụ: “Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho GV; Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ GV từ cấp tỉnh trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình;

Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên đề từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho GV từ cấp tỉnh trở lên;

Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi của GV từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh THPT từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi THPT từ cấp tỉnh trở lên”.

Thông tư 03/2021 của của Bộ GDĐT “Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THCS công lập” cũng có các quy định tương tự.

Nhà giáo Lê Văn Vỵ - nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX Hương Sơn (Hà Tĩnh) - chia sẻ: “Đọc những quy định về nhiệm vụ của GV THCS và THPT hạng I, tôi không khỏi ngạc nhiên, thấy nhiều nhiệm vụ khó, “quá tầm”. Đơn cử như việc biên soạn sách giáo khoa không phải là trách nhiệm của GV phổ thông, mà chỉ là nhiệm vụ đặc biệt, dành cho một số rất ít người rất xuất sắc, có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Việc “chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên đề từ cấp tỉnh trở lên” cũng là nhiệm vụ của Bộ và Sở GDĐT, không thể đặt lên vai GV phổ thông, dù là GV hạng I”.

Cũng theo thầy Lê Văn Vỵ, trong “Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ” của GV THPT hạng I, Thông tư 04 cũng nêu ra các nhiệm vụ nặng nề, có tính chất “vác tù và hàng tổng” cho đối tượng này.

Cụ thể, GV THPT hạng I phải “tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước...”; “có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong xây dựng kế hoạch và giáo dục; vận dụng những phương pháp dạy học và giáo dục”; “hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc sử dụng các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh...”.

“Mỗi GV được cấp bằng sư phạm đã đủ năng lực để hành nghề, đủ điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động độc lập, tự chủ, chứ không phải là những sinh viên trong giai đoạn thực tập mà cần phải có người tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, theo tôi, các tiêu chí nói trên là không phù hợp với thực tế, cần được xem xét điều chỉnh, tránh hiện tượng đưa ra tiêu chí quá tầm, thiếu định lượng, rồi tổ chức đánh giá, thẩm định chung chung, không có căn cứ, minh chứng xác thực” - thầy Lê Văn Vỵ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn