MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đang có xu hướng thí sinh đổ xô vào học các ngành hot như kinh tế, truyền thông. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Tìm cách "gỡ rối" tuyển sinh ngành khoa học đặc thù

Tường Vân LDO | 01/10/2021 12:33

Trong mùa tuyển sinh năm nay, các ngành khoa học đặc thù không thu hút được thí sinh khiến chất lượng đầu vào giảm sút nghiêm trọng.

Chuyển đổi theo hướng đào tạo liên ngành

Theo ghi nhận của Lao Động, tại nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay, những ngành đào tạo vốn được xem là thế mạnh, chủ lực của trường thì "ế ẩm" khi chỉ tuyển sinh được 3, 4 thí sinh.

Lượng thí sinh nộp hồ sơ ít đương nhiên điểm chuẩn đầu vào sẽ suy giảm. Trong khi đó, những ngành mới mở, vốn không phải là thế mạnh trong đào tạo của trường, lại thu hút lượng lớn hồ sơ ứng tuyển dẫn đến việc điểm chuẩn tăng cao. 

Lý giải về sự mất cân bằng trong tuyển sinh đầu vào, đa số nhà trường đều cho rằng, một phần nguyên nhân là do cách nhìn nhận, sự thấu hiểu về lĩnh vực nghề nghiệp, đặc thù công việc của thí sinh khiến những ngành này không được ưa chuộng. Bên cạnh đó, phụ huynh, thí sinh quan tâm đến những ngành nghề có cơ hội nghề nghiệp rộng mở thay vì bó hẹp ở 1 lĩnh vực nhất định.

Bày tỏ quan điểm về thực trạng nêu trên, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng, bản chất, người lao động phải làm việc trong môi trường đòi hỏi sự năng động, tích hợp nhiều năng lực. Như vậy, chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học cần được đổi mới theo hướng đào tạo liên ngành thay vì đơn ngành như trước đây. Theo đó, cơ hội việc làm của người lao động được mở rộng và đáp ứng được nhiều lĩnh vực.

“Trước đây mỗi chuyên ngành là 1 mảnh riêng biệt thì nay phải hòa nhập, phát triển thành chương trình tích hợp thì sản phẩm năng lực đầu ra mới có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ví dụ, kỹ sư cơ khí không chỉ biết thiết kế mà còn cần kiến thức về nhân văn, quản lí dự án, kinh tế kĩ thuật, IT… Như vậy, đào tạo liên ngành sẽ giúp người học phương pháp tư duy, cách học, tự học và cơ hội việc làm sẽ không bị bó hẹp.

Đào tạo liên ngành là hướng đi đúng đắn. Nhưng hiện nay Việt Nam vẫn nặng về văn hóa chuyên ngành nên việc chuyển đổi vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn” - ông Vinh chia sẻ.

Bên cạnh việc chuyển sang hướng đào tạo liên ngành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp nhấn mạnh rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần có sự chủ động trong việc đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo; bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp thị.

“Đổi mới chương trình đào tạo rất quan trọng. Nhưng hiện nay, rất nhiều ngành nghề mới mở và sự cạnh tranh rất khốc liệt nên chỉ đổi mới không thể thu hút được thí sinh. Tôi cho rằng, không chỉ lãnh đạo nhà trường mà bản thân giảng viên của từng khoa cũng phải đẩy mạnh công tác truyền thông, Marketing cho ngành học của mình. Từ đó, giúp học sinh, phụ huynh hiểu rõ về văn hóa, bản chất nghề, cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường”.

Thay đổi từ chính sách

Bên cạnh những giải pháp từ nội lực của các nhà trường, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp cho rằng, về phía nhà nước, cần có sự thay đổi.

"Một số ngành như kỹ thuật, cơ khí, thủy nông, xây dựng,... thị trường vẫn rất cần nguồn lao động. Nhưng khi nhu cầu nhân lực có mà nguồn cung hạn chế do ít thí sinh chọn thì đương nhiên bên cầu của thị trường phải mua sức lao động có trình độ với giá cao hơn - nói cách khác đãi ngộ phải tốt hơn.

Điều này liên quan đến chính sách thị trường lao động của Chính phủ và sự thích ứng trong trả lương, đãi ngộ của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động".

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, nhà nước cần có định hướng bằng chính sách để thu hút nguồn nhân lực cho các nhóm ngành kĩ thuật, khoa học đặc thù.

“Đối với cá nhân người học, không thể ép buộc mà phải dựa trên nguyện vọng thực tế của mỗi cá nhân. Nếu thí sinh nhìn thấy chính sách phù hợp, nhà nước đang cần nguồn nhân lực, cơ hội việc làm rộng mở thì chắc chắn thí sinh sẽ lựa chọn các ngành khoa học cơ bản" - ông Khuyến nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn