MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh nên sử dụng đa dạng các phương thức để xét tuyển vào đại học. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Tìm nguồn cơn điểm chuẩn đại học tăng “phi mã”

Đặng Chung LDO | 18/09/2021 19:53

Nhiều thí sinh đã “ngỡ ngàng”, “sốc” khi đặt đến 10 hay 20 nguyện vọng nhưng vẫn trượt ngay cả nguyện vọng được coi là chống trượt.  Nhiều em vẫn chưa thể vượt qua cú sốc đầu đời rằng mình đã trượt đại học.  Vì sao lại có hiện tượng điểm chuẩn tăng “phi mã” như vậy? Những “bi kịch điểm cao” xảy ra do đâu?

This browser does not support the video element.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn lý giải các nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng mạnh ở một số nhóm ngành. Video: Đặng Chung - Tường Vân

5 khối ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên

“18 tuổi, lần đầu tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết tất cả nguyện vọng”;  “Điểm chuẩn làm tôi sốc đến mức đánh sập cả tương lai và ước mơ của mình”; “Lần đầu biết cảm giác thất bại trong chiến lược kinh doanh đầu đời là gì”… là bình luận, ý kiến của rất nhiều thí sinh, phụ huynh khi nhìn vào bức tranh điểm chuẩn đại học năm nay.

Mùa tuyển sinh 2021 chứng kiến hiện tượng điểm chuẩn tăng “phi mã” ở một số ngành học. Mức tăng nằm ngoài tưởng tượng, dự đoán trước đó của nhiều người, khi “tăng nhẹ” cũng lên đến 3-4 điểm, nhiều ngành tăng đến 9-10 điểm. Điều này khiến không ít thí sinh bị “sập bẫy điểm cao”, trượt cả nguyện vọng mà trước đó được coi là an toàn, để chống trượt.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, các trường tốp trên có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi các trường top giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh.

Số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành). Số ngành tăng từ 9 - 11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%.

Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên có 265 ngành (chiếm 8%).

5 khối ngành có điểm chuẩn tăng mạnh nhất năm 2021 là: Kỹ thuật - công nghệ (70 ngành); sư phạm (64 ngành), hai khối ngành này đã chiếm tới 50% số ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên.

Đứng ở vị trí thứ 3 là khối Kinh doanh và quản lý (42 ngành), kế tiếp là Xã hội nhân văn (32 ngành), pháp luật (10 ngành).

Bộ GDĐT đã có những lý giải về hiện tượng điểm chuẩn tăng vọt ở một số ngành trong mùa tuyển sinh 2021.  Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, lý do quan trọng nhất khiến điểm chuẩn tăng số thí sinh xét tuyển đại học tăng trong khi tổng chỉ tiêu của cả hệ thống tăng không đáng kể.

Ngoài ra, điểm chuẩn tăng còn  liên quan đến xu hướng chọn ngành nghề của học sinh và điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng.

Khi phổ điểm thi  cao, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi giảm so với năm 2020, thì điểm chuẩn tăng là điều dễ hiểu.

Hãy sử dụng linh hoạt, đa dạng nhiều phương thức xét tuyển

Sau khi kết thúc đợt 1 của mùa tuyển sinh 2021, nhiều trường đại học chưa tuyển đủ chỉ tiêu đã lên phương án cho đợt xét tuyển bổ sung. Những thí sinh trượt đại học ở đợt 1 vẫn còn cơ hội xét tuyển ở những đợt sau. Và đại học không phải là  cánh cửa duy nhất dẫn đến thành công. Các em vẫn còn nhiều cơ hội phía trước.

Và với lứa học sinh 2003, ngoài chịu nhiều thiệt thòi khi trải qua 2 năm học hành vất vả vì ảnh hưởng của dịch COVID-19,  thì các em còn luôn phải đối mặt với tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng trong các kỳ thi vượt cấp, khi số trẻ sinh năm 2003 tăng so với các năm khác.

Sau khi nếm trải những “cú sốc” về điểm chuẩn, rất nhiều học sinh đã tự rút ra cho mình bài học và dành lời khuyên cho học sinh các khóa sau: Hãy tận dụng mọi cơ hội, sử dụng linh hoạt, đa dạng nhiều phương thức xét tuyển… để đạt đến mục tiêu là đỗ vào ngành học yêu thích nhất; Không nên "đánh cược", sử dụng duy nhất kết quả kỳ thi tốt nghiệp để mở cánh cửa đại học. 

Bởi trong tình thế hiện nay, chắc chắn xu hướng đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh vẫn sẽ còn được nhiều trường đại học lựa chọn, để chủ động nguồn tuyển trước các biến động.

Với kỳ tuyển sinh năm nay, theo thống kê của Bộ GDĐT, số thí sinh dự thi là 1.020.000, tăng hơn 11% so với năm 2020 (900.000). Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, mầm non là 795.000, tăng 152.000 (24%) so với 2020. Trong khi đó số chỉ tiêu chỉ tăng 10.000; chỉ tiêu xét theo kết quả thi THPT giữ ổn định.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn