MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tinh giản môn Ngữ văn: Bộ GDĐT lược nhiều nội dung quan trọng

Đặng Chung LDO | 01/04/2020 20:42

Nhiều phần nội dung liên quan đến các tác phẩm văn học như “Rừng xà nu”, “Ông già và biển cả”, “Những đứa con trong gia đình,… được Bộ Giáo dục và Đào tạo tinh giản. Điều này cũng đồng nghĩa, các đề thi kiểm tra, đánh giá năm nay sẽ không ra vào các nội dung này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Theo đó có nhiều nội dung được tinh giản để phù hợp với tình hình học sinh đang phải nghỉ học dài ngày vì dịch COVID-19.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn tinh giản cũng được xây dựng cụ thể cho từng môn học. Giáo viên khi dạy học chương trình của học kỳ 2 năm học 2019-2020 sẽ không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh của Bộ yêu cầu “không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học”.

Đánh giá về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tinh giản nội dung các môn học, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội) cho rằng, nhìn một cách tổng thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo điều kiện tốt nhất để các nhà trường tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Mặc dù có nhiều nội dung được tinh giản nhưng có thể thấy tính hệ thống của các môn học vẫn được bảo đảm.

Cũng theo thầy Hùng, điều này sẽ giúp nhà trường giảm được gánh nặng về giảng dạy và học sinh có thể chủ động tự đọc trực tiếp từng văn bản và tự thực hành phần lớn nội dung học. 

Thầy Nguyễn Phi Hùng - Giáo viên Ngữ văn trường THCS Anhxtanh (Hà Nội).

Môn Ngữ văn bậc THCS giảm lượng kiến thức khá lớn

Phân tích cụ thể hơn về các nội dung được giảm tải với môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng cho biết, ở cấp trung học cơ sở, khối lượng kiến thức được giảm tải của môn Ngữ văn khá lớn, trải rộng trên tất cả các phần Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể khối lượng kiến thức, kĩ năng mà học sinh cần học trong phần còn lại của năm học.

Bên cạnh các bài được giảm tải trọn vẹn (không dạy), đa phần các bài được giảm tải theo hình thức giảm mục tiêu, yêu cầu bài học, chỉ cốt hình thành khái niệm, giúp học sinh nắm được những đơn vị kiến thức cơ bản và cần yếu nhất.

Với cách giảm tải như vậy, học sinh có thể tự đọc, tự trau dồi kiến thức các văn bản, các tác phẩm để rèn kĩ năng đọc hiểu, cảm thụ. Với các bài Tổng kết cần tự tổng hợp kiến thức.

Với các bạn học sinh lớp 9 chuẩn bị tham gia kì thi vào lớp 10, thầy Hùng đưa ra lời khuyên nên tập trung ôn luyện vào các đơn vị kiến thức trọng tâm trong học kì I và một số bài được giữ lại trong chương trình học kì II.

Môn Văn bậc THPT giảm tải nội dung về nhiều tác phẩm quan trọng

Ở bậc THPT, Ngữ văn là một trong các môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia, nên các nội dung giảm tải được nhiều học sinh, giáo viên quan tâm. Đặc biệt theo khẳng định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh cuối cấp có thể yên tâm lướt qua các phần được giảm tải để tập trung vào phần kiến thức được xem là trọng yếu. Các tác phẩm giảm tải được Bộ đưa vào nội dung “khuyến khích tự đọc”.

Các nội dung môn Ngữ văn lớp 12 được Bộ GDĐT tinh giản. 

Đối với môn Ngữ văn lớp 12, chủ đề Văn học, nhiều nội dung về các tác phẩm trong chương trình như: “Rừng xà nu”, “Bắt sấu rừng U Minh Hạ”, “Những đứa con trong gia” , “Mùa lá rụng trong vườn”, “Một người Hà Nội”, “Ông già và biển cả”, “Thuốc”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho điều chỉnh một phần hoặc cả bài với các hướng dẫn “Khuyến khích học sinh tự đọc”…

Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, với hướng tinh giản như vậy, học sinh sẽ chỉ cần trung vào các tác phẩm của học kì I và một số bài trọng tâm của học kì II như “Mùa xuân nho nhỏ”, “Viếng lăng Bác”, “Những ngôi sao xa xôi”... để có thể chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn