MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên một trường mầm non trên địa bàn TP. Thái Nguyên đang dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Ảnh: T.C.A

Tỉnh mạnh tay chi, giáo viên chờ mỏi cổ

ĐẶNG CHUNG - HỮU LONG LDO | 30/05/2018 08:30
Để chăm lo đời sống giáo viên, giải bài toán quá tải ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, riêng năm 2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua nghị quyết, phê duyệt kinh phí hỗ trợ hoạt động giảng dạy lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Có điều, tiền đã được chi, nhưng có đến được tay giáo viên hay không lại là một hành trình dài. Trên hành trình đi đòi quyền lợi đó, giáo viên ví thân mình như “con kiến đi kiện củ khoai”.

“Chúng em khổ quá”

6h30 sáng, cô Thanh Hà (giáo viên mầm non ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, tên được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật) rời nhà để đến trường. Cô khởi động ngày mới bằng việc lau dọn lớp như 1 lao công, rồi quay ra đón trẻ, cùng 1 đồng nghiệp khác chăm 43 trẻ ăn, lau rửa khi trẻ đi vệ sinh và đủ thứ việc không tên khác.

Buổi chiều, khi nhiều công chức đã ra khỏi cơ quan để trở về với gia đình, cô ngồi chờ phụ huynh đến đón con về. Có hôm, đến tận 19h mới hết trẻ.

Trong khi các cấp học khác đều định biên số tiết lên lớp của giáo viên rõ ràng, thì với các cô giáo mầm non, giờ giấc làm việc chẳng theo 1 khung cố định nào. Quy định làm việc 6 tiếng/ngày, tối đa không quá 8 tiếng, nhưng thực tế, hầu như các giáo viên mầm non làm 10 tiếng mỗi ngày để chăm sóc trẻ.

Khi gửi lời kêu cứu đến Báo Lao Động, ngoài những lời chia sẻ gan ruột về sự vất vả đó, một số giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phải thốt lên: “Chúng em khổ quá. Vì thu nhập không bằng công nhân, chỉ mong được hưởng đúng các quyền lợi như bất kỳ người lao động nào khác theo đúng Luật Lao động, mà cũng không được”.

“Chúng tôi đều làm việc trên lớp khoảng 10 giờ/ngày. Theo như Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, thì phải được trả tiền làm thêm giờ, nhưng từ trước tới nay không bao giờ được, tiền chăm sóc học sinh khuyết tật cũng không.

Chúng tôi được biết, tỉnh Thái Nguyên có chính sách hỗ trợ hoạt động giảng dạy, tiền đã rót về các trường để hiệu trưởng tuyển giáo viên thời vụ, đảm bảo giáo viên mầm non được làm đúng số giờ theo quy định và đủ số giáo viên theo định mức, nhưng tại sao đến nay người không có, tiền hỗ trợ cũng không đến tay?”.

250 tỉ đồng tiền hỗ trợ giảng dạy đang ở đâu?

Theo phản ánh của giáo viên, chúng tôi tìm về một số huyện của tỉnh Thái Nguyên để tìm hiểu câu chuyện. Chưa thể đi hết và gặp đủ hàng nghìn giáo viên mầm non, nhưng tại những nơi chúng tôi đã đi qua (huyện Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ…), nhiều giáo viên mầm non xác nhận, họ chưa bao giờ nhận được khoản tiền gọi là trả tiền làm thêm, hay hỗ trợ giảng dạy gì cả.

Thậm chí, ngày lễ tết cũng chẳng được đồng thưởng nào gọi là động viên, ngoài 200.000 đồng tiền công đoàn hỗ trợ cho nhà giáo.

Trong khi Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT nêu rõ: Đối với các giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp, cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

Thời gian này bao gồm cả việc trực trưa, nếu số giờ thừa thì được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8.3.2013 của Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.

“Vậy, giáo viên mầm non của tỉnh Thái Nguyên có được hưởng tiền làm thêm giờ theo Bộ luật Lao động và Thông liên tịch 07 hay không?”, đem câu hỏi này tới gặp các vị lãnh đạo của Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi nhận được câu trả lời: Trên thực tế, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện chính sách này và có phân ra làm 2 nhóm.

Đối với những trường đã được bố trí đủ định mức biên chế, tức là 2,2 giáo viên/lớp (đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, định mức là 1 giáo viên nuôi dạy 11 trẻ từ 3-4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4-5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5-6 tuổi) sẽ không được hưởng chế độ này.

Còn đối với những trường do nhà nước chưa bố trí đủ định mức giáo viên/lớp, thì phải thực hiện đầy đủ chính sách này theo quy định tại Thông tư 48/TT-BGDĐT ban hành năm 2011 và trả tiền làm thêm giờ như Thông tư liên tịch 07 quy định.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Thượng Chính - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên - hiện nay, theo phân cấp quản lý, các trường mầm non thuộc các quận, huyện, thị xã, phòng giáo dục trực tiếp quản lý, nên sở không nắm rõ đã chi ra bao nhiêu kinh phí để trả tiền làm thêm cho giáo viên mầm non. Nhưng ông Chính khẳng định là có chi trả.

Ngoài ra, đại diện Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định, 2 năm học gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non.

“Ngày 5.1.2018, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 39/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ hoạt động năm 2018 đối với các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh duyệt chi hỗ trợ 149.495.650.000 đồng để trả định mức khoán thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các cấp học và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn cấp mầm non.

Năm 2017 cũng duyệt chi hỗ trợ khoảng 102 tỉ đồng. Tiền này chắc chắn đã được sở chuyển về các phòng và trường để hiệu trưởng được tự chủ trong việc phân công. Trường có thể huy động giáo viên trong trường giảng dạy thêm giờ và trả tiền theo quy định, hoặc hợp đồng với giáo viên trường khác, giáo viên mới ra trường theo hình thức hợp đồng thời vụ, với mức lương 3,8 triệu đồng/10 tháng.

Việc hỗ trợ này nhằm đảm bảo quyền lợi của giáo viên trong trường nếu phải dạy thêm giờ, hoặc tuyển bổ sung người để giáo viên làm việc đúng với định mức quy định” - ông Chính khẳng định.

Theo các văn bản và thông tin mà đại diện Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên cung cấp, thì ước tính 2 năm qua, UBND tỉnh đã duyệt chi khoảng 250 tỉ đồng (từ tiền ngân sách tỉnh) để hỗ trợ hoạt động giảng dạy và thuê cô nuôi với các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn.

Ngay sau đó, sở cũng có công văn hướng dẫn các phòng chuyên môn thực hiện, nhưng tại sao giáo viên vẫn kêu làm việc quá số giờ quy định, quá tải định mức, nhưng không được hưởng bất cứ tiền hỗ trợ nào?

“Nhờ phóng viên về các trường tìm hiểu xem số tiền hỗ trợ đó chi tiêu ra sao, có đúng mục đích hay không mà không đến được tay giáo viên. Năm 2017, theo báo cáo của các Phòng GDĐT thì đúng là có việc chậm chi trả, giải ngân.

Sau đó chúng tôi đã rút kinh nghiệm và yêu cầu phải thực hiện rốt ráo hơn, để đảm bảo quyền lợi của giáo viên, cũng như đảm bảo hoạt động giảng dạy. Tại sao giáo viên vẫn kêu không nhận được? Làm sao lại có chuyện như thế?” - ông Chính bày tỏ ngạc nhiên.

Trên nói đã chi trả, đã hỗ trợ, dưới lại kêu tiền không đến tay. Vậy số tiền ước tính cả trăm tỉ đồng mà UBND tỉnh Thái Nguyên trích từ tiền ngân sách tỉnh để hỗ trợ hoạt động giảng dạy đã được các trường chi tiêu ra sao, có đúng mục đích, tiền đó đang ở đâu? Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn