MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tỉnh táo để không mắc bẫy lừa bởi video tư vấn ngành học trên mạng xã hội

KHÁNH AN LDO | 07/03/2023 06:43
Theo các nhà giáo dục, sự bùng nổ của công nghệ một mặt giúp học sinh được tiếp cận các thông tin về ngành nghề rất sớm và đa dạng, mặt khác lại khiến học sinh bị "nhiễu" khi thông tin tư vấn ngành học quá nhiều và cũng có những sai lệch nguy hiểm.

Chỉ cần gõ dòng chữ “tư vấn ngành học” vào ô tìm kiếm trên TikTok, hàng loạt video tư vấn ngành nghề sẽ hiện ra. Đáng chú ý, hầu hết những video có lượt xem cao nhất đều có tiêu đề như “Ba ngành đại học vô dụng”, “Bằng đại học vô dụng bậc nhất trong ngành Kinh tế”, “Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam”...

Các video có độ dài chưa đến 1 phút này sở hữu lượt xem cao chót vót, lên đến hàng triệu lượt xem và hàng chục nghìn tài khoản bình luận. Trong video, các TikToker này chỉ ra một vài ngành mà theo họ là không cần học. Tiếp đó, họ nêu ra từ 1-2 lý do để thuyết phục người xem. 

  Tràn lan những video tư vấn ngành học trên TikTok. Ảnh: Khánh An

Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, sở dĩ những video này đạt được lượng tương tác cao như vậy là do các chủ tài khoản nắm được trào lưu của học sinh. Tuy nhiên, những nội dung mà những TikToker này chia sẻ vẫn chưa thật sự đầy đủ và chính xác. 

Theo TS Lý, TikTok có ưu điểm là truyền đạt thông tin nhanh, phù hợp với giới trẻ thế hệ Z, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, để thực hiện tư vấn hướng nghiệp và tìm hiểu thông tin tư vấn hướng nghiệp trên TikTok cần phải lưu ý rằng, thời lượng trên TikTok thường ngắn nên không thể truyền tải đầy đủ và đúng nội dung tư vấn.

Thêm vào đó, thời điểm xem video trên TikTok khó xác định, nên dễ gây hiểu nhầm, hiểu sai thông tin so với thời điểm video lên sóng. Bởi nhiều quy định, quy chế thay đổi theo từng mốc thời gian khác nhau. Những người làm nội dung trên TikTok cũng không kiểm chứng nội dung và không chịu trách nhiệm về nội dung mình đăng tải. 

“Trên thực tế, chuyên gia tư vấn ngành nghề có chuyên môn là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Những người này nắm trong tay số liệu về đầu ra của sinh viên các ngành trong trường, số liệu từ các trung tâm dự báo nhân lực, thông tin về nhu cầu việc làm theo thời gian mà các doanh nghiệp tới đặt hàng cho nhà trường... và có hiểu biết về tâm sinh lý vị thành niên để nắm bắt xu hướng và diễn biến tâm lý, giúp học sinh chọn được đúng ngành” – TS Lý nói. 

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, việc các thông tin sai lệch về ngành nghề tràn lan trên mạng xã hội có thể làm vỡ quy hoạch đào tạo ngành nghề, tạo hiện tượng dư thừa hoặc thiếu lao động cục bộ tại một số ngành, lĩnh vực sau này. Ngoài ra, việc định hướng sai ngành nghề sẽ làm lãng phí rất lớn thời gian, tiền bạc của sinh viên, gia đình và xã hội.  

Để ứng phó với loạt video tư vấn ngành học trên mạng xã hội, theo TS Lý, các trường đại học cần có chiến lược tư vấn tuyển sinh phù hợp. Ngoài tư vấn bằng lời nói, các trường có thể tăng cường cho học sinh tham gia trải nghiệm các môi trường học tập để hình dung ngành/nghề mà các em quan tâm. Tổ chức các chuyến đi đến các cơ sở, doanh nghiệp để các em phần nào hiểu được các công việc sẽ làm sau khi ra trường.

  Các học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Huyên Nguyễn

Còn theo Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM, việc các "chuyên gia nghiệp dư" đưa ra những thông tin tràn lan, thiếu căn cứ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chọn lựa ngành học của thí sinh. "Trước mạng lưới thông tin đa chiều thí sinh cần tỉnh táo, bình tĩnh chọn lọc kênh thông tin, nội dung thông tin. Thí sinh nên theo dõi và tìm hiểu thông tin từ các kênh chính thống như website các trường, các tờ báo uy tín, đài truyền hình, đài phát thanh..." - Thạc sĩ Nguyên chia sẻ.

Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế tài chính TPHCM cho rằng, các thầy cô ở bậc THPT nên tư vấn, định hướng, giới thiệu cho học sinh những kênh thông tin chính thống, uy tín. Các trường THPT nên phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và mời các chuyên gia uy tín để tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu đúng và đầy đủ về những yêu cầu tố chất phù hợp với ngành nghề cũng như cơ hội nghề nghiệp, thị trường lao động...

Bên cạnh đó các cơ quan quản lý cũng cần có sự kiểm soát đối với các nội dung thông tin từ "chuyên gia nghiệp dư" trên các trang mạng xã hội này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn