MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh vùng cao Yên Bái hiện còn thiếu hơn 2.000 giáo viên, đây là bài toán nan giải khi mà năm học mới sắp bắt đầu. Ảnh: Bảo Nguyên

Tỉnh vùng cao thiếu hơn 2.000 giáo viên trước thềm năm học mới

Bảo Nguyên LDO | 23/08/2023 07:24

Yên Bái - Hai huyện vùng cao có tỷ lệ giáo viên thấp nhất là Trạm Tấu và Mù Cang Chải với tỷ lệ đạt chỉ hơn 75%.

Nhiều giáo viên thấy khó khăn quá nên bỏ về

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Tà Xi Láng cách trung tâm huyện Trạm Tấu khoảng 60 cây số. Đây là cung đường quanh co, khúc khuỷu nên có những giáo viên lần đầu đến nhận công tác phải mò mẫm từ sáng sớm đến quá trưa mới đến nơi. Từng có trường hợp giáo viên được đơn vị tuyển dụng nhưng khi vừa “chạm đất”, thấy khó khăn quá nên đã bỏ về…

Theo thầy Nguyễn Bá Ngọc - Hiệu trưởng, nhà trường hiện có 4 lớp thuộc khối Trung học cơ sở và 10 lớp khối Tiểu học. Cả hai khối có 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên gồm 13 giáo viên Tiểu học, 7 giáo viên Trung học cơ sở, 3 cán bộ quản lý và 1 nhân viên.

"Nhà trường thiếu ít nhất 8 người, trong đó cần nhất là 2 giáo viên Trung học cơ sở và 2 giáo viên Tiểu học, nhưng mãi không tuyển được người" - thầy Ngọc nói.

Vị hiệu trưởng cũng chia sẻ, mức lương giáo viên công tác trên vùng cao khoảng 8-9 triệu đồng nhưng kèm theo nhiều chi phí tốn kém. Ví như do đường sá đi lại khó khăn, một năm giáo viên phải thay một đôi lốp, nhông xích xe vài tháng là phải thay thế, một bình xăng đi từ nhà lên trường và quay về là hết…

Tương tự, tại huyện vùng cao Mù Cang Chải năm học 2023-2024 vẫn đang thiếu rất nhiều giáo viên đặc biệt đối với môn tiếng Anh. Thậm chí, ở cấp tiểu học còn chưa có giáo viên giảng dạy bộ môn này.

Thầy giáo biệt phái dạy Tiếng Anh cho Trường TH&THCS Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải). Ảnh: Bảo Nguyên

Ông Nguyễn Anh Thủy - Trưởng phòng GDĐT huyện Mù Cang Chải chia sẻ: Huyện đang còn thiếu rất nhiều giáo viên tiếng Anh, nhiều trường "trắng" giáo viên môn học này.

Do không có nguồn để tuyển nên năm học 2022 - 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo biệt phái 9 giáo viên tiếng Anh từ TP Yên Bái và một số huyện vùng thấp lên tăng cường cho huyện Mù Cang Chải. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt…

Vẫn phải kết hợp dạy trực tuyến

Thông tin đến PV Báo Lao Động, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Yên Bái cho biết, năm học 2023-2024 là năm thứ tư triển khai chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Về cơ bản, Yên Bái thực hiện tốt công tác chuẩn bị về bố trí đội ngũ, cơ sở vật chất, sách, thiết bị, đảm bảo các điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện tại, đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông công lập toàn tỉnh hiện có 13.210 người; trong đó có 11.050 giáo viên; tỷ lệ giáo viên hiện có so với định mức năm học 2023-2024 đạt 84,2%.

Toàn tỉnh hiện thiếu đến hơn 2.000 giáo viên. Hai huyện vùng cao có tỷ lệ giáo viên thấp nhất là huyện Trạm Tấu (đạt 75,5%) và huyện Mù Cang Chải (đạt 75,6%).

Đặc biệt, yêu cầu bố trí giáo viên môn Tiếng Anh để triển khai dạy học bắt buộc theo chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, Yên Bái thiếu 270 giáo viên Tiếng Anh ở các cấp học.

Tỉnh Yên Bái đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên do thiếu nguồn. Ảnh: Trọng Bảo

Để khắc phục tình trạng trên, đảm bảo giáo viên thực hiện chương trình theo quy định, Sở GDĐT đã tham mưu với tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở trường học thực hiện điều động, phân công, bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp.

Biệt phái hỗ trợ các trường thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí tối đa định mức giáo viên giảng dạy ở những môn thiếu giáo viên, nhất là môn Tiếng Anh.

Năm học 2023-2024, Sở GDĐT đang tham mưu với UBND tỉnh thực hiện biệt phái 15 giáo viên môn Tiếng Anh từ khu vực vùng thuận lợi lên hỗ trợ cho huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện biệt phái, bố trí dạy liên trường, liên cấp đối với trên 300 lượt giáo viên.

Đáng chú ý, trong năm học này, Yên Bái tiếp tục thực hiện hình thức dạy học trực tuyến do các tỉnh, thành phố khác hỗ trợ và tổ chức dạy học trực tuyến trong trường để đảm bảo thực hiện đủ chương trình môn Tiếng Anh cho học sinh theo quy định.

Yên Bái đề xuất chính sách đặc thù

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GDĐT tổ chức ngày 18.8 vừa qua, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái nêu ra tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên Tiếng Anh và Tin Học. Dù tỉnh Yên Bái đã ra chính sách tuyển mới giáo viên ở hai môn này với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp mà không tuyển được ai.

Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái đề xuất chính sách đặc thù cho phép các tỉnh miền núi như Yên Bái tuyển dụng giáo viên tiểu học, THCS theo chuẩn cũ (cử nhân cao đẳng). Đồng thời, có lộ trình học liên thông đại học để đạt chuẩn mới trong thời gian không quá 5 năm..

Theo ông Đỗ Đức Duy, hiện tỉnh có khoảng 200 giáo viên thuộc diện này, đa số là người dân tộc thiểu số, do tỉnh bỏ kinh phí ra đào tạo, nay không thể tuyển dụng do không đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn