MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Tôi cảm hóa học sinh bằng sự thấu hiểu và lòng chân thành"

Thiều Trang LDO | 17/11/2021 08:24

Hơn 11 năm gắn bó với nghề, thầy Vũ Trường Hải - giáo viên bộ môn Thể dục Trường THPT Trần Hưng Đạo (Gò Vấp, TPHCM) luôn xem học sinh là người thân trong gia đình. Để rồi trong hành trình ấy, thầy đã "cảm hóa" nhiều học sinh cá biệt bằng sự thấu hiểu và lòng chân thành.

Lắng nghe để luôn thấu hiểu

Gắn bó với những cô cậu học sinh cấp THPT - những học trò có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý, nhạy cảm với mọi biến động của cuộc sống, thầy Vũ Trường Hải luôn dành thời gian để tìm hiểu và lắng nghe học sinh. Từ đó, chia sẻ và cùng các em giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, hỗ trợ các em xây dựng kế hoạch học tập và thực hiện giấc mơ của riêng mình.

Nhờ sự thấu hiểu học sinh mà trong suốt hành trình 11 năm gắn bó với nghề, thầy Hải đã "cảm hóa" được nhiều học sinh cá biệt. Những câu chuyện vui buồn và kỷ niệm đẹp về học trò cứ thế nối dài qua từng chặng đường.

Thầy Vũ Trường Hải - Bí thư Chi đoàn, Giáo viên bộ môn Thể dục Trường THPT Trần Hưng Đạo (TPHCM). Ảnh: NVCC

Chia sẻ câu chuyện về cậu học trò để lại nhiều ấn tượng, thầy Hải bồi hồi kể, vì hoàn cảnh gia đình, lại bước vào tuổi mới lớn nên cậu học sinh rất ngông cuồng và phá phách. Nắm bắt được thông tin, thầy Hải đã chủ động tiếp cận với em như một người bạn, người anh trong gia đình. Bằng sự thấu hiểu và lòng chân thành, thầy đã "cảm hóa" được cậu học sinh, giúp em tập luyện và thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Giờ đây, cậu học trò nhỏ đã trở thành thầy giáo Thể dục, trở thành đồng nghiệp của thầy.

Thầy Hải không có quan niệm về học sinh “hạnh kiểm yếu”, đó chỉ là học sinh chưa ngoan, do thầy cô chưa thấu hiểu, chưa cảm thông và chưa đủ bao dung để hiểu học trò.

"Mỗi học sinh đều có câu chuyện riêng, các em nổi loạn vì rất nhiều lý do. Vì vậy,  muốn cảm hóa được các bạn học sinh đó cần tình cảm chân thành và sự thuyết phục cao, không thể đem sự cấm đoán cứng nhắc để thuyết phục. Thầy cô phải khiến học sinh bị thuyết phục thì các em mới thay đổi và tiến bộ.

Vì vậy, tôi chọn cách cảm hóa học sinh bằng sự thấu hiểu và lòng chân thành" - thầy Hải tâm sự.

Với quan niệm ai cũng có tiềm năng riêng, thầy Hải đã khiến cho những học sinh “đầu gấu” ngày nào trở thành những học sinh tốt, những con người có ích cho xã hội, thầy luôn tự hào khi thấy học trò của mình là người tử tế.

Nỗ lực đổi mới trong giảng dạy

Là giáo viên Thể dục, thầy Vũ Trường Hải nhận thấy, học online trong giai đoạn cả thành phố phải thực hiện giãn cách, phòng chống dịch bệnh COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu và học hỏi một số bạn bè, thầy Hải nhận thấy ứng dụng Padlet của Google có nhiều ưu điểm và đặc biệt hiệu quả đối với bộ môn Thể dục.

Theo đó, thầy Hải và tổ bộ môn đã tiến hành quay video clip hướng dẫn các bài thể dục, sau đó chỉnh sửa và tải lên từng lớp học trong ứng dụng Padlet. Trong quá trình học online, thầy cô sẽ chiếu lại và giảng cho học sinh nghe; đồng thời học sinh có thể xem lại và tập luyện.

"Mỗi lớp tôi sẽ tạo 1 trang Padlet, đánh số thứ tự học sinh theo danh sách lớp. Các bạn tập luyện và quay video clip trả bài ở nhà, sau đó đăng tải lên để thầy cô kiểm tra, đánh giá.

Với ứng dụng này, học sinh có thể tương tác bằng cách bày tỏ cảm xúc như thích, yêu thích,... Giáo viên là quản trị viên có thể duyệt bài để tất cả thành viên trong lớp thấy video clip trả bài của học sinh, nếu không duyệt chỉ mình thầy cô thấy, đảm bảo quyền riêng tư cho các em" - thầy Hải chia sẻ.

Lớp học môn Thể dục trên ứng dụng Padlet. Ảnh: NVCC

Theo thầy Vũ Trường Hải, sau một thời gian học tập, học sinh phản hồi rất tích cực, hào hứng với hình thức học trực tuyến linh hoạt vì có thể tương tác đa chiều và bảo đảm quyền riêng tư. Hiện, thầy Hải đã giới thiệu ứng dụng và phương pháp dạy cho nhiều giáo viên ở bộ môn khác với hy vọng nâng cao chất lượng giảng dạy trong bối cảnh hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn