MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 1 lên tiếng sau phản ánh "không dạy chữ P"

Thiều Trang LDO | 25/02/2022 12:14

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khẳng định, Tiếng Việt 1 có dạy chữ P (chữ pê), âm đầu và âm cuối P (pờ). Theo đó, tất cả đều dạy theo cách quen thuộc với giáo viên trên cả nước trong nhiều năm qua.

Trước thông tin dư luận phản ánh sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ "P",  PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đã chính thức lên tiếng.

Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối khẳng định, bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GDĐT (trang 12, tập một).

"Đây là quy định cứng, không có bất kì bộ SGK nào dám thay đổi và không có lí do gì để thay đổi. Ở nhiều bài học trong bộ sách này, học sinh được học và luyện viết chữ P qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,… (trang 78, 118, 120, 124,… tập một).

Ở tập hai, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết. Vì vậy, ý kiến cho rằng Tiếng Việt 1, bộ Kết nối không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở" - PGS Hùng cho biết.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GDĐT. Ảnh: NVCC

Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối cũng phân tích, trong tiếng Việt, âm P xuất hiện chủ yếu là cuối âm tiết (trong một số trường hợp, xuất hiện đầu âm tiết).

Theo đó, việc dạy âm P cuối âm tiết (hiện tượng phổ biến) qua loạt bài dạy vần ở tập một như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124),… và những từ như đã nêu ở trên có thể thấy rõ, SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có dạy âm P cuối và dạy nhiều.

Về việc dạy âm đầu P, tất cả các bộ sách Tiếng Việt 1 đều phải đạt được mục tiêu: Học xong lớp 1, học sinh có khả năng đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì,… Tuy nhiên, các bộ sách có thể có những cách khác nhau.

Cách thứ nhất: Dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm Ph (âm phờ). Trước khi học âm Ph, các em được luyện đọc âm P, không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P.

Cách thứ hai: Dạy âm P riêng và đưa những từ ứng dụng như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ.

"SGK Tiếng Việt 1 của Bộ GDĐT (theo chương trình Tiếng Việt năm 2000) đã áp dụng cách thứ nhất và rất quen thuộc với đông đảo giáo viên dạy Tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong 20 năm qua. SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối kế thừa cách dạy này" - PGS Hùng nói.

Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, âm P và Ph đều được học trong phần âm ở khoảng tuần 5 hoặc tuần 6 của lớp 1. Nếu dạy âm P riêng thì cần phải có từ ứng dụng để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ này chỉ chứa các âm tiết mở (bộ phận vần chỉ có 1 nguyên âm), nghĩa là buộc phải dùng những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,… và không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì,… vì 2 lí do là học sinh chưa được học âm S (trong Sa Pa), vần âm (trong Nậm Pì) và tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ.

"Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có dạy chữ P (chữ pê), âm đầu và âm cuối P (pờ) (ghi bằng chữ P). Tất cả đều dạy theo cách quen thuộc với giáo viên dạy Tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong nhiều năm qua" - PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn