MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo quy định mới, nếu có F0 sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (mẫu gộp không quá 3 người) cho toàn bộ F1, học sinh và giáo viên của lớp có F0. Ảnh: Chân Phúc

TPHCM ban hành hướng dẫn mới xác định F0, F1 trong trường học

Huyên Nguyễn LDO | 23/02/2022 16:29

TPHCM - UBND TPHCM vừa ban hành văn bản số 548 /UBND-VX hướng dẫn kiểm soát dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, TPHCM hướng dẫn chi tiết cách xác định, xử lý khi phát hiện F0, F1 theo hướng dẫn mới. Thành phố cũng đưa ra kịch bản xử trí đối với trường hợp phát hiện nhiều F0 tại cơ sở giáo dục.

Xác định, xử lý người tiếp xúc gần (F1) 

Theo hướng dẫn, người tiếp xúc gần (F1) là người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể,...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0; Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ do trẻ chưa có ý thức tuân thủ 5K, khả năng tiếp xúc giữa các trẻ khi học tập, vui chơi tại lớp rất lớn, do đó nếu có 1 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính thì toàn bộ học sinh trong cùng lớp được xác định là F1.

Nhân viên phụ trách y tế trường học hoặc giáo viên của cơ giáo dục có trách nhiệm lập danh sách và cung cấp thông tin dịch tễ cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế để xác định các trường hợp F1.

Xét nghiệm nhanh cho F1

Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (mẫu gộp không quá 3 người) cho toàn bộ F1, học sinh và giáo viên của lớp có F0, nếu mẫu gộp dương tính thì tiến hành giải gộp ngay bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM kiểm tra khu vực cách ly F0 tại trường học. Ảnh: Huyên Nguyễn

Nếu kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính xử lý như trường hợp F0. Nếu kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính: Đối với trường hợp là F1 đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1 thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 5.

Nếu kết quả xét nghiệm ngày 5 âm tính thì học sinh đi học trực tiếp trở lại, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo, nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.

Đối với trường hợp là F1 chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19; cách ly y tế 7 ngày tại nhà, xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm ngày 7 âm tính thì học sinh đi học trực tiếp trở lại, tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 3 ngày tiếp theo, nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K.

Đối với trường hợp không phải F1 được tiếp tục học tập trực tiếp tự theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày.

Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, toàn bộ học sinh trong cùng lớp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm ngày 7 âm tính thì học sinh đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm lớp tiếp tục theo dõi sức khỏe cho trẻ trong 3 ngày tiếp theo.

Toàn bộ việc xét nghiệm F1 phải do nhân viên y tế của cơ sở y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế của cơ sở y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. 

Xem xét khi phát hiện 2 ca F0 trở lên trong cùng ngày

UBND TPHCM cũng đưa ra kịch bản xử trí đối với trường hợp phát hiện nhiều F0 tại cơ sở giáo dục. Nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp.

Nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn