MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cháu bé 5 tuổi bị tát liên tục vào mặt. Ảnh: Ngọc Như

TPHCM: Bé gái 5 tuổi bị cô giáo mầm non tát nứt xương hàm?

Kim Đồng LDO | 27/07/2018 14:16
Trong lúc dư luận vẫn còn đang bức xúc trước vụ bảo mẫu Cơ sở Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) hành hạ trẻ em, mới đây, thêm một vụ đánh trẻ xảy ra tại quận Bình Chánh - bé 5 tuổi bị bảo mẫu đánh gây thương tích.

Tát liên tiếp vào mặt trẻ, gây nứt xương hàm?

Theo đó, ngày 25.7, người nhà cháu P.T.N.D (5 tuổi, ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) đón cháu D. và phát hiện mặt cháu thâm tím.

Hỏi chuyện, cháu D cho biết, lúc ăn trưa cháu nôn ra người nên bị cô giáo đánh liên tiếp vào mặt. Ngoài ra, cô còn lấy dép đánh từ trên lưng xuống dưới chân và dọa cắt lưỡi nếu cháu D. nói ra.

Đến chiều tối 26.7, hai cha con bé D. đã làm việc với công an huyện về việc bé D. bị cô giáo ở lớp mẫu giáo Ánh Sao Vàng (cùng xã) bạo hành.

Trước đó, Công an huyện Bình Chánh đã làm việc với cô giáo H.P (người bị cho là đã dùng tay kẹp cổ và tát liên tục vào cháu D.) để lấy lời khai, làm rõ sự việc.

Gia đình cháu D. cho biết, đã đưa cháu đi chụp CT, kiểm tra sức khỏe và cho biết cháu bị nứt xương hàm.

Cần xử lý nghiêm

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động trưa 27.7, bố cháu D. cho biết, gia đình rất bức xúc trước việc cô H.P. đánh cháu gây thương tích. “Hiện tôi đang đưa cháu D. đi giám định thương tật. Có gì sẽ thông tin tới phóng viên sau”, bố cháu D. nói.

Liên quan đến vụ việc trên, được biết Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh và Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã nắm bắt vụ việc và đang phối hợp với UBND huyện Bình Chánh làm rõ. Hiện Công an huyện Bình Chánh đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc trên.

Cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng nhận giữ 50 trẻ, có 4 giáo viên giữ trẻ. Người đánh là cô giáo có bằng sư phạm mầm non. Hiện cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng đã bị đình chỉ hoạt động, các bé được chuyển sang cơ sở mầm non khác.

Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật - Đoàn luật sư TPHCM, trường hợp người có hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em có thể bị xử lý hành chính là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em (theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em).

Trường hợp người có hành vi đánh trẻ em bị khởi tố về tội hành hạ người khác thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015...

Ông Lê Thế Nhân - Chủ tịch Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes) cho biết, vụ việc một lần nữa báo động tình trạng yếu kém về năng lực và trách nhiệm dẫn đến xâm hại trẻ em trong các hoạt động dịch vụ giáo dục, chăm sóc trẻ em. Các yêu cầu về sự hiểu biết và thực hành quyền trẻ em cần thiết phải trở thành một điều kiện bắt buộc đối với những người làm việc với hoặc có liên quan đến trẻ em, trong đó có giáo viên và bảo mẫu. Vai trò giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng theo đó cũng là rất quan trọng để dự phòng các trường hợp bạo hành/xâm hại tương tự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn