MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh vui mừng sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng (ảnh K.Q)

TPHCM: Thí sinh hào hứng vì lần đầu tiên được thi môn Giáo dục công dân

Khương Quỳnh LDO | 24/06/2017 12:32
Đây là năm đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào kì thi THPT Quốc gia. Nhiều thí sinh thích thú với những kiến thức gần gũi, thực tế mà các câu hỏi môn thi này đặt ra.  

10 giờ 50 phút ngày 24.6, các sĩ tử chính thức kết thúc kì thi THPT Quốc gia 2017 với tổ hợp 3 môn xã hội: Sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Theo đánh giá của đa số thí sinh, 3 môn khá nhẹ nhàng vừa sức với.

Tại điểm thi Trường THPT Võ Trường Toản (quận 1, TPHCM), em Nguyễn Thanh Thảo, học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 1 dự thi 2 môn Sử và Địa nhận xét: “Em thấy đề năm nay khá dễ. 50 phút làm bài với 40 câu trắc nghiệm là vừa phải. Môn Địa chỉ cần học bài, hiểu bài là có thể làm được, môn Lịch sử hơi khó ở một số câu vì ngoài nhớ sự kiện ra thì học sinh phải hiểu ý nghĩa sự kiện đó”.

Thí sinh hào hứng sau khi kết thúc môn Sử và Địa tại điểm thi Trường THPT Võ Trường Toản (ảnh K.Q)

Cũng dự thi 2 môn Sử và Địa, em Võ Quang Chí, học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 1 cũng cho biết: “Đề Địa dễ và vừa sức, vận dụng Atlat có thể làm được khá nhiều câu. Một số câu khá thú vị vì đòi hỏi thí sinh phải liên hệ thực tế, ví dụ như vấn đề thất nghiệp, đô thị hóa… Môn Sử sát với kiến thức sách giáo khoa. Em nhắm chừng mình được ít nhất mỗi môn 6 điểm”.

Tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM), em Tuyết Anh, học sinh trường THPT Trưng Vương dự thi cả 3 môn cho biết: “Đề không khó, môn Sử và Địa khá sát với kiến thức có trong sách giáo khoa. Bạn nào chịu khó học bài có thể làm trên 6 điểm. Riêng môn Giáo dục công dân em rất thích. Câu hỏi đa phần bám sát sách giáo khoa. Nhiều câu rất thực tế và gần gũi với cuộc sống”.

Nói về đề thi môn Giáo dục công dân, em Trần Nguyễn Thúy Anh, học sinh Trường THPT Úc Châu khá hào hứng: “Theo em, môn Giáo dục công dân đề khá sát sườn với những gì chúng em được học. Nếu ôn tập tốt học sinh có thể hoàn thành gần hết các câu hỏi. Nhiều câu khá thú vị vì yêu cầu chúng em vận dụng kiến thức được học bằng các tình huống đặt ra. Nếu ai thông hiểu thì sẽ đạt điểm xuất sắc”. Thúy Anh cho biết, đây là năm đầu tiên môn này được đưa vào kì thi THPT Quốc gia nên ban đầu em cảm thấy hơi lo lắng bởi lúc ôn tập, thầy cô không có nhiều tài liệu, bộ đề để học sinh bám vào. Tuy nhiên, khi đi thi thì Thúy Anh hoàn toàn tự tin và coi môn Giáo dục Công dân là môn “gỡ điểm”.

Em Huỳnh Quang Thái, học sinh Trường THPT Trưng Vương cũng chia sẻ: “Em thấy môn Giáo dục công dân đề khá dễ hiểu, thú vị vì có nhiều câu gần gũi với cuộc sống. Em không quá lo lắng với môn thi này vì được thầy cô ôn tập rất kỹ”.

Nhận xét về đề thi năm nay, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, đề thi năm nay sát với chương trình lớp 12 của học sinh và có sự phân hóa để vừa căn cứ xét tốt nghiệp lẫn xét tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, năm nay, với việc thi tổ hợp 2 nhóm môn tự nhiên, xã hội, thí sinh thể hiện tốt hơn kiến thức của mình. Đặc biệt, năm nay, môn Giáo dục công dân lần đầu tiên được đưa vào kì thi quan trọng này với mục đích hướng đến việc giáo dục toàn diện cho các em học sinh.

Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, qua 3 ngày thi có thể khẳng định rằng, kì thi đã thành công tốt đẹp, đảm bảo đúng quy chế, nghiêm minh, tạo điều kiện thuận lợi và tâm lý thoải mái cho thí sinh. Cán bộ coi thi được tập huấn chu đáo nên đã thực hiện nghiêm túc quy chế, đặc biệt là việc tổ chức thi tổ hợp 3 môn tự nhiên, xã hội. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng cho biết, đến năm 2020, dự kiến sẽ không thi tích hợp nhóm môn tự nhiên và xã hội nữa mà sẽ thi tích hợp. Theo đó, chương trình dạy học sẽ phát huy là liên môn phát huy tác dụng, tiếp cận xu thế giảng dạy tự nhiên và xã hội trên thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn