MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập trung bình của giáo sư tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TPHCM hiện nay là 60 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: Nhà trường

Trả nửa tỉ đồng mời giáo sư về làm việc tại trường học

Chân Phúc LDO | 06/03/2024 13:21

TPHCM - Nhiều trường đại học có chính sách ưu đãi, trả một lần với số tiền từ 100 - 500 triệu đồng để mời các giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học... về làm việc. Bên cạnh đó là những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà khoa học nghiên cứu và phát triển.

Trả 500 triệu đồng cho chức danh giáo sư làm việc tại trường

Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM) cho biết, trường đang có kế hoạch tuyển 43 chỉ tiêu theo hình thức xét tuyển. Trong đó, trọng tâm tuyển dụng giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên với số lượng 35 chỉ tiêu nhằm tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ và giảng viên chất lượng cao cho các đơn vị đào tạo.

Đồng thời, UFM tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút đặc biệt đối với những giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh phó giáo sư, giáo sư.

PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Người có chức danh giáo sư có độ tuổi dưới 50 được nhà trường chi hỗ trợ, thu hút một lần là 500 triệu đồng, từ trên 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 400 triệu đồng; chức danh phó giáo sư có độ tuổi dưới 50 là 300 triệu đồng, từ trên 50 tuổi đến dưới 55 tuổi là 200 triệu đồng. Đối với tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài là 100 triệu đồng và tiến sĩ tốt nghiệp trong nước là 60 triệu đồng (không phân biệt độ tuổi)".

Bên cạnh đó, nhà trường còn đầu tư kinh phí cho giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục của trường tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tham quan học tập kinh nghiệm giáo dục hiện đại của các cơ sở đào tạo giáo dục và nghiên cứu khoa học đỉnh cao trong và ngoài nước.

Lãnh đạo Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết thêm, thời gian tới, trường sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để điều kiện làm việc tốt hơn nữa, hỗ trợ trong giai đoạn đầu về chỗ ở cho giảng viên cơ hữu thu hút từ các địa phương khác hoặc nhân tài thu hút từ ngoài nước.

PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Chân Phúc

PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết, chế độ tiền lương, thu nhập của trường dựa trên đóng góp của giảng viên. Thu nhập trung bình hiện nay của giáo sư là 60 triệu/tháng, phó giáo sư khoảng 50 triệu đồng, tiến sĩ trẻ mới về trường khoảng 25 triệu đồng.

Tại trường Đại học Công nghệ Thông tin, thu nhập của tiến sĩ, giáo sư khoảng 35-65 triệu đồng, tùy vị trí. Còn tại Đại học Kinh tế - Luật, mức này là 28-51 triệu đồng.

Giao tiền tỉ làm đề tài

TS Lê Thị Anh Trâm - Trưởng ban tổ chức cán bộ Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) - cho biết, đang triển khai Chương trình VNU350: Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐHQG TPHCM.

Chương trình VNU350 hướng đến năm 2030 tuyển được 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc và nhà khoa học đầu ngành. Trong đó, đợt 1 năm 2024 tuyển 65 chỉ tiêu.

Các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tham gia Chương trình VNU350 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ ĐHQG TPHCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng.

Đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian 2 năm đầu, được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200.000.000 đồng). Năm thứ ba, được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỉ đồng). Năm thứ tư, được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỉ đồng. Năm thứ năm, được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cấp Nhà nước.

Đối với các nhà khoa học đầu ngành trong thời gian 2 năm đầu, được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỉ đồng. Các năm tiếp theo, được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỉ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.

Nhà khoa học sẽ hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị nơi nhà khoa học đến công tác (gồm lương, thưởng, các phụ cấp, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khen thưởng…).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn