MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo bị nhóm học sinh nhốt trong lớp, ném đồ vào người. Ảnh cắt từ video.

Trách nhiệm của nhà trường trong vụ cô giáo bị học sinh dồn vào góc lớp, ném dép

TRÀ MY LDO | 07/12/2023 12:29

Vụ cô giáo bị nhóm học sinh lớp 7 ở Tuyên Quang dồn vào góc lớp, ném dép là hành vi khó có thể chấp nhận. Đây là sự cảnh báo cho thấy tinh thần tôn sư trọng đạo, "tiên học lễ, hậu học văn", vốn là những truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc, đang có dấu hiệu phai nhạt.

Vụ học sinh ném dép vào giáo viên xảy ra tại trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang). Khi xem video, nhiều người không khỏi xót xa.

Trao đổi với Báo Lao Động, thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lô - mô - nô - xốp (Hà Nội) cho rằng, đây là sự việc cá biệt, không phải là tình trạng chung của ngành giáo dục, nhưng rất đau lòng.

Cũng theo thầy Tùng, chưa luận bàn đến chuyện ai đúng ai sai ở đây nhưng để xảy ra sự việc trên xuất phát từ nhiều lí do.

"Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên thì phải chờ các cơ quan chức năng kết luận. Nhưng đứng ở góc độ nhà giáo, tôi thấy vài lý do hiển hiện rõ trong vụ việc.

Điều đầu tiên, cô giáo đã không làm chủ được tình huống, không nhờ đến sự trợ giúp của đồng nghiệp hay ban lãnh đạo nhà trường ngay lúc đó. Đây là điều đáng tiếc, đẩy sự việc lên đến cao trào.

Nhóm học sinh đã có những hành vi vượt xa mọi giá trị về đạo đức cũng như chuẩn mực hành vi và quy định về ứng xử văn hoá. Những hành vi này là vi phạm Luật giáo dục 2019 cũng như nội quy trong nhà trường. Hành vi bạo lực của nhóm học trò với cô giáo trong thời gian khá dài, có nhiều em tham gia do bị kích động tâm lý hội nhóm. Tôi không tin những hành vi này là bộc phát, có thể đã diễn ra nhiều lần với các hình thức khác nhau đối với cô giáo hoặc bạn bè của các em" - thầy Tùng chia sẻ.

Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lô - mô - nô - xốp (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Ngoài những lí do nêu trên, thầy Tùng bày tỏ sự băn khoăn khi sự việc xảy ra, nhà trường không có sự can thiệp kịp thời.

"Tôi không thấy sự hỗ trợ nào của ban lãnh đạo nhà trường đối với cô giáo, khi biết rằng cô quay trở lại dạy lớp chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Nhà trường cũng không có biện pháp tích cực trong quy định sử dụng điện thoại của học sinh khi để học sinh tự do sử dụng điện thoại, gây áp lực lớn đến cô giáo. Những lời lẽ tục tĩu của nhóm học trò chắc chắn học được từ mạng xã hội, ngoài đường và cả ở một số gia đình. Tôi không quá bất ngờ khi nghe những lời lẽ đó nhưng thật sự sốc khi các em dùng những lời lẽ đó với cô giáo của mình" - thầy Tùng bày tỏ.

Theo thầy Tùng, vấn nạn học sinh bạo lực giáo viên trong môi trường học đường là điều rất đáng xấu hổ.

"Phải loại bỏ tình trạng bạo lực học đường ra khỏi xã hội ngay lập tức. Các thầy cô giáo phải được pháp luật bảo vệ mạnh mẽ hơn nữa, phải được xã hội ủng hộ và hỗ trợ trong truyền thông cũng như lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực đối với thầy cô giáo.

Công đoàn ngành, Cục Nhà giáo cần có tiếng nói mạnh mẽ, trọng lượng hơn nữa để bảo vệ quyền lợi các nhà giáo. Các nhà trường cần có những quy định, cách thức tốt để giáo dục học sinh hướng thiện nhiều hơn cũng như có những chế tài xử lí nghiêm học sinh vi phạm" - thầy Tùng thẳng thắn nói.

Sau một thời gian dài, chúng ta vẫn liên tục bắt gặp những hình ảnh tiêu cực, đi ngược với truyền thống "tôn sư trọng đạo". Để giáo dục phát triển, trường học thực sự là môi trường sư phạm mẫu mực, cần sự chung tay của cả giáo viên, phụ huynh, nhà quản lý và cả xã hội.

"Và trên hết, các nhà giáo phải biết tự bảo vệ bản thân, chấp nhận những thiệt thòi để theo nghề nhưng cũng phải có tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ mình. Phải được học những kĩ năng xử lí tình huống phức tạp để không xảy ra những sự việc như vừa qua" - thầy Tùng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn