MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trăn trở quy định đánh giá đạo đức nhà giáo

Trà My LDO | 16/08/2023 06:30

Nhiều giáo viên cho rằng, việc đánh giá đạo đức nhà giáo hiện vô cùng khó khăn.

Thầy Đinh Ngọc Thắng - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Vinh - cho biết, hiện nay, vấn đề đạo đức nhà giáo được quy định tại nhiều văn bản khác nhau từ nghị quyết của Đảng đến pháp luật nhà nước. Hơn nữa, vấn đề này được cụ thể hoá đến các cơ sở đào tạo giáo dục, nhà trường thông qua quy chế, điều lệ. Tuy nhiên, việc đánh giá đạo đức nhà giáo vô cùng khó khăn vì phụ thuộc bên trong mỗi con người.

“Tôi mặc định rằng, điều kiện năng lực nhà giáo thể hiện trong chuyên môn, giảng dạy - đây đều là tiêu chí đo lường được. Còn thẩm định đạo đức là điều khó” - thầy Thắng nêu quan điểm.

Từ những trăn trở trên, thầy Thắng đề xuất, trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần lồng ghép đào tạo bồi dưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong đó có truyền thống "tôn sư trọng đạo".

Thầy Đinh Ngọc Thắng - giảng viên Trường Đại học Vinh - đề cập đến vấn đề đạo đức nhà giáo tại buổi gặp gỡ với người đứng đầu ngành Giáo dục chiều ngày 15.8. Ảnh chụp màn hình

"Việc bồi dưỡng giúp lan tỏa giá trị truyền thống của cha ông trong môi trường sư phạm" - thầy Thắng nói.

Đề xuất thứ hai, theo thầy Thắng, các chủ trương, quyết sách lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cần gắn liền với sứ mệnh của những người đã lựa chọn nghề giáo. Hiện nay, những người lựa chọn nghề giáo đang gặp khó khăn, trở ngại trong đó có áp lực nghề nghiệp, áp lực thu nhập. Tuy nhiên, nếu xem sứ mệnh đó là lựa chọn của mình thì các thầy cô giáo đều có thể vượt qua khó khăn này.

Đề xuất thứ ba là vấn đề nêu gương nhà giáo cũng hết sức quan trọng. Việc nêu gương phải kịp thời chính xác.

Về ý kiến liên quan đến vấn đề đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đây là vấn đề rất hệ trọng.

“Trong chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm cũng có thời lượng, nội dung nhất định cho đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, các nhà giáo cần tự rèn luyện, tự tu dưỡng, trau dồi, chứ không chỉ trông chờ vào việc lồng ghép vào một vài chương trình giáo dục có tính chất ngắn hạn” - người đứng đầu ngành Giáo dục nhận định.

Với tư cách là nhà giáo, nhà khoa học, bộ trưởng nhấn mạnh, mỗi nhà giáo phải làm gương, nêu gương cho học sinh.

"Những gì mình muốn học sinh có, đương nhiên phải có trước. Người thầy không có điều đó, rất khó đòi hỏi học sinh. Những gì mong muốn học sinh làm được, mình phải làm được, thậm chí làm được 1 cách mẫu mực.

Những gì mình mong học sinh có trong ứng xử thì cố gắng ứng xử với người thầy của mình, những người xung quanh trước, học sinh sẽ đi theo" - bộ trưởng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn