MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên thiết bị trường học trăn trở về mức lương đang hưởng. Ảnh minh hoạ: Trà My

Trăn trở với cách tính lương của nhân viên thiết bị trường học

Anh Thư LDO | 09/04/2024 12:48

Nhân viên thiết bị trường học kỳ vọng sau cải cách tiền lương 1.7.2024, cách tính lương sẽ có sự đổi mới phù hợp, tương xứng với sự cống hiến của họ.

Kiêm nhiệm nhiều công việc

Theo Thông tư 19, 20/2023/TT-BGDĐT, vị trí việc làm nhân viên kế toán, văn thư, thủ quỹ... được xếp ngạch viên chức, xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, do hiện nay, họ đa số chỉ hưởng lương trung cấp (hệ số lương 1,86 - 4,06) hoặc cao đẳng (hệ số lương 2,1 - 4,89), hầu như không được hưởng phụ cấp nên thu nhập rất thấp.

Theo nhân viên trường học, người có thời gian làm việc dưới 15 năm có mức lương dao động từ 3,6 đến dưới 7 triệu đồng/tháng. Trong xã hội ngày nay, với giá cả tăng cao, mức lương này không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu hằng ngày của các nhân viên trường học. Điều này khiến nhiều người phải tìm cho mình một công việc tay trái, thậm chí là “thoát nghề” để tìm việc có thu nhập cao hơn.

Chị Hoàng Bích Dịu - nhân viên thiết bị đang làm việc trong một trường THCS tại Ninh Bình - cho biết, sau khi tinh giản biên chế, trường không còn nhân viên đảm nhiệm vị trí văn thư. Điều này khiến chị Dịu phải kiêm nhiệm nhiều công việc, thế nhưng không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào khác.

“Bản thân tôi không có phụ cấp thêm lại còn phải tự bỏ tiền xăng xe cho mỗi lần đi nộp công văn mấy chục cây số. Nhiều đợt, có công văn gấp phải xử lý, tôi làm việc đến tận khuya. Trong khi đó, công việc chính là chuyên ngành thiết bị cũng không phải dễ dàng, có rất nhiều việc phải xử lý.

Lương cơ bản đã không cao lại mất thêm tiền phục vụ công việc kiêm nhiệm, liệu rằng như vậy có quá bất công so với các đồng nghiệp cùng hoạt động trong môi trường giáo dục hay không?” - chị Dịu trăn trở.

Nữ giáo viên mong mỏi, các cấp lãnh đạo có thể lắng nghe nỗi lòng của nhân viên thiết bị nói riêng cũng như nhân viên trường học nói chung. Chị Dịu kỳ vọng, tiền lương sau cải cách sẽ được cải thiện, giáo viên không phải làm công việc ngoài giờ khác. Điều này giúp các cô có thể tập trung vào công việc, chuyên tâm với nghề, theo ngành trong thời gian lâu nhất.

Đồng lương nhận về chưa tương xứng

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, anh Lê Xuân Tiền - nhân viên thiết bị trường học tại một trường THCS trên địa bàn tỉnh Yên Bái - xót xa khi chia sẻ về khối lượng công việc của mình.

Cùng công tác trong ngành Giáo dục, trong khi giáo viên dạy quá số tiết định mức sẽ được tính lương thừa giờ, thì nhân viên trường học dù có kiêm nhiệm nhiều việc, làm nhiều thời gian hơn vẫn không có thêm khoản phụ cấp nào.

"Hiện tại, vẫn chưa có quy định nào về việc tính thừa giờ cho nhân viên trường học. Dù khối lượng công việc lớn, kiêm nhiệm nhiều thứ, thời gian kéo dài trong nhiều năm nhưng mức lương nhận về chỉ đủ xăng xe đi lại.

Tôi mong chờ trong thời gian tới, có hướng dẫn cụ thể hơn về cách tính lương của nhân viên trường học. Bản thân tôi không mong muốn chúng tôi được hưởng đãi ngộ giống các giáo viên đứng lớp nhưng thật sự mong mỏi sự cống hiến, chăm chỉ của các nhân viên thiết bị trường học được đền đáp xứng đáng" - anh Tiền kỳ vọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn