MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có cần thiết đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại? Ảnh: Anh Thư

Trăn trở với đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc

Anh Thư LDO | 26/02/2024 06:03

Dù làm việc trong môi trường “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, không có hóa chất độc hại, nhưng công việc của một giáo viên mầm non phải chịu áp lực rất cao.

Một ngày làm việc luôn tay luôn chân

Để bắt đầu đón trẻ vào ngày mới, giáo viên mầm non có mặt tại lớp từ 6h30 và luôn tay luôn chân từ mở cửa phòng học thông thoáng cho đến vệ sinh lớp học, đồ dùng học tập. Sau khi mọi thứ được chuẩn bị kỹ lưỡng, các cô sẽ bắt đầu đón trẻ.

Khi hoàn thành những hoạt động buổi sáng, trẻ bắt đầu ăn trưa. Bên cạnh việc chuẩn bị bàn ghế ăn uống cho trẻ, các cô cũng phải thường xuyên để ý bé có nôn trớ hay hóc phải thứ gì không. Có lúc đang cho bé này ăn thì bé kia lại nôn, khiến các cô phải dừng tay, dọn dẹp.

Khi trẻ chìm vào giấc ngủ trưa, các cô phải thay phiên nhau trực, để ý từng cháu xem có tè dầm hay quấy phá gì không. Các cô chỉ dám chợp mắt một lúc trước khi bắt đầu những hoạt động dạy học buổi chiều.

Cô giáo giúp các bé chỉnh trang lại đầu tóc sau buổi trưa. Ảnh: Anh Thư

Chiều đến, các cô cùng trẻ múa hát, học vẽ, đọc thơ và cho ăn quà chiều. Đến 17h tan học, đợi phụ huynh đưa trẻ về hết. Có những hôm cha mẹ bận việc không đến đón đúng giờ các cô phải ở lại đợi, thậm chí đưa các bé về tận nhà.

Đó là tường thuật lại một ngày làm việc của cô Trần Thị Thùy Dung cùng các đồng nghiệp tại Trường Mầm non Hồng Long (Nghệ An).

"Cả một ngày dài, chúng tôi làm việc luôn tay, luôn chân từ 6h30 cho tới 17h. Có những ngày, thời gian dành cho con nhỏ của mình còn không bằng các con trên trường.

Nhiều lúc tôi rất khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Đối với các giáo viên hiện đang có con nhỏ lại càng là một thử thách lớn" - cô Dung nói.

Chờ tin vui

Giáo viên mầm non là một ngành nghề rất đặc thù - vừa làm cô, vừa làm mẹ, lại có lúc là bạn. Theo nhiều giáo viên, tuy bậc học này không yêu cầu chuyên môn cao giống như những bậc học khác, nhưng họ có phần vất vả hơn trong công việc hàng ngày.

Giáo viên mầm non đồng thời vừa chăm sóc vừa giáo dục trẻ. Từ các kỹ năng sống như cách chào hỏi, cách tự giác vệ sinh cá nhân đến đọc thơ, múa hát, vẽ tranh. Để trẻ có thể tiếp thu hiệu quả, giáo viên phải hết sức chăm chỉ và chịu khó.

Không chỉ dạy dỗ mà giáo viên mầm non còn chăm sóc trẻ từng li từng tí. Ảnh: Anh Thư

Chia sẻ về vấn đề này, cô Trương Thị Bích Ngọc - giáo viên Trường Mầm non Hồng Long (Nghệ An) - cho biết, tuy không phải tiếp xúc với những hóa chất, tác nhân độc hại, nguy hiểm như các ngành nghề khác, nhưng giáo viên mầm non cũng là nghề có nguy cơ cao ảnh hưởng tới sức khỏe.

“Chúng tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng của trẻ. Các em còn rất nhỏ, vẫn ham chơi nên các cô lúc nào cũng phải lo lắng, để ý tránh các trường hợp trẻ bị ngộ độc, thất lạc hay gặp phải nguy hiểm. Với cường độ làm việc liên tục cùng thời gian kéo dài, thường xuyên căng thẳng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của các cô” - cô Ngọc bộc bạch.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư ban hành “Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”. Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến đề nghị bổ sung vào danh mục đối với giáo viên mầm non.

“Thật sự hạnh phúc khi chúng tôi nhận được sự quan tâm. Chính những đề xuất này sẽ tạo thêm động lực cho giáo viên theo nghề, tiếp tục hành trình trông trẻ và nuôi dạy các em.

Tôi cũng mong trong tương lai gần nhận được sự đãi ngộ tương xứng với công sức bỏ ra, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của giáo viên mầm non và giúp chúng tôi yên tâm công tác và cống hiến" - cô Ngọc mong mỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn