MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên xếp hàng từ mờ sáng để đăng ký thi chứng chỉ tiếng Anh TOEIC.

Trắng đêm xếp hàng đăng ký thi tiếng Anh: Vì sao có chuyện lạ lùng?

Bích Hà LDO | 03/12/2018 19:21
Một cảnh tượng chưa từng có khi hàng ngàn bạn trẻ vây kín sảnh của một trung tâm chỉ để chờ đăng ký ngày thi TOEIC. Có sinh viên phải thức trắng đêm, có người đi từ mờ sáng. Vì đâu lại xảy ra chuyện lạ lùng này?

Chen chúc, khổ sở

Trong số hàng nghìn sinh viên chấp nhận phải chen chúc, khổ sở chờ đợi ở Trung tâm IIG (TPHCM) để được đăng ký thi TOEIC, có người lo từ ngày 15.2 sẽ thay đổi cấu trúc, đề thi sẽ khó hơn. Người lại chỉ mong kịp lấy được chứng chỉ mang về trường để xét tốt nghiệp.

Hơn nữa, vì lo lắng thi ở nơi khác sẽ lấy phải chứng chỉ giả, không được công nhận trên toàn thế giới, nên sinh viên đổ xô đến IIG - đại diện chính thức và duy nhất được tổ chức thi TOEIC theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Điều đó tạo nên một cảnh tượng chưa từng xảy ra trong những ngày qua.

 
 Clip sinh viên "canh" cổng trung tâm đăng ký thi TOEIC từ mờ sáng.  Clip: Tran Duy My Linh

Theo dõi sự việc này, PGS-TS Đỗ Văn Xê - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương TPHCM - cho rằng, trong khi nhu cầu cần có chứng chỉ TOEIC quá lớn, Việt Nam lại chỉ có duy nhất một trung tâm được ủy quyền thực hiện bài thi quốc tế này, thì đương nhiên sẽ dẫn đến quá tải.

Nhưng sâu xa câu chuyện này có liên quan đến việc ngày càng nhiều trường đại học đưa ra quy định sinh viên phải có chứng chỉ TOEIC mới được xét tốt nghiệp.

           
PGS-TS Đỗ Văn Xê. 

“Việc yêu cầu sinh viên phải đạt một trình độ ngoại ngữ nào đó khi ra trường là cần thiết, giúp sinh viên phát huy được năng lực ngoại ngữ. Tuy nhiên các trường phải chú ý đến bước đi và có lộ trình phù hợp.

Nếu trói buộc sinh viên trong quy định phải có chứng chỉ TOEIC mới đạt chuẩn đầu ra thì đương nhiên sinh viên phải đổ xô đi đăng ký thi TOEIC. Mà tại Việt Nam không phải trung tâm ngoại ngữ nào cũng đủ năng lực làm được. Từ ý tốt, nhưng giải pháp thực hiện không được tính tới nơi tới chốn đã dẫn đến việc sinh viên phải khổ sở, xếp hàng từ mờ sáng tại một nơi để đăng ký thi như vậy”- PGS Đỗ Văn Xê chia sẻ.

“Dạy học theo chuẩn Việt Nam, đầu ra đòi chuẩn quốc tế”

Đây là thực tế được TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) chỉ ra. Ông cho rằng trong khi phần lớn các trường mới xây dựng, thiết kế chương trình học tiếng Anh đáp ứng được theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam, nhưng lại bắt sinh viên phải “đạt chuẩn quốc tế”.

“Trường đại học phải căn cứ vào khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam để thiết kế dạy học và đo lường đánh giá. Việc thi TOEIC hay không là quyền của sinh viên, theo nhu cầu và năng lực sinh viên”- TS Vinh khẳng định.

Ông cũng đặt dấu hỏi vì sao các trường lại quy định chuẩn đầu ra là chứng chỉ TOEIC, chứ không phải là TOEFL hoặc IELTS, liệu có cái "bắt tay" nào hay không?

 TS Hoàng Ngọc Vinh.

Còn theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Điều 27 Quyết định số 43/2007/QĐ do Bộ GDĐT ban hành về quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, không có dòng nào nói sinh viên phải đạt thêm chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC 450, hay 500 mới được xét tốt nghiệp.

Sinh viên chỉ cần học, hoàn thành tất cả các học phần theo chương trình đào tạo đã công bố, có điểm trung bình từ 2,00 trở lên, có chứng chỉ giáo dục thể chất và quốc phòng thì được tốt nghiệp.

“Đó là luật, là quy định. Nhưng gần đây lại xuất hiện một phong trào các trường áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh bằng chứng chỉ TOEIC. Khi quy định chuẩn thì phải chú ý đến điều kiện để cho sinh viên đạt được chuẩn đó. Nếu đưa ra chuẩn không có điều kiện thuận lợi để thực hiện thì dễ phát sinh tiêu cực. Cái đó là lỗi của hiệu trưởng”- Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương TPHCM cho biết.

Cũng theo PGS Đỗ Văn Xê, khi còn điều hành ở Đại học Cần Thơ hay tại Đại học Hùng Vương bây giờ, ông không đưa ra chuẩn đầu ra ngoại ngữ để ràng buộc sinh viên.

Lý do được ông đưa ra là: “Đến một lúc nào đó chúng tôi tổ chức giảng dạy đáp ứng được các chuẩn đầu ra như TOEIC, sinh viên học tại trường có đủ năng lực để thi lấy chứng chỉ quốc tế một cách bình thường thì chúng tôi mới đặt chuẩn đầu ra với sinh viên. Khi mình chưa làm được theo cam kết mà đã bắt sinh viên đạt được cái như mình mong muốn thì chỉ đẩy khó về sinh viên mà thôi”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn